Cần “thuốc đặc trị” siêu biến chủng Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù biến chủng Omiron của virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại sâu sắc về việc tạo ra làn sóng lây nhiễm mới trên khắp thế giới, song giới chuyên môn cho rằng nếu tiêm phủ đầy đủ vaccine phòng Covid-19 cũng như áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống như truy vết virus và nhất là thực hiện nguyên tắc “5K” thì vẫn có thể ứng phó hiệu quả với siêu biến chủng này.
Không ít người dân còn lơ là chủ quan không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhất là tuân thủ “5K”

Không ít người dân còn lơ là chủ quan không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch nhất là tuân thủ “5K”

Biện pháp có thể giúp ngăn chặn biến thể Omicron

Tới nay, đã có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại như dừng các chuyến bay đến/đi cũng như những hành khách đến/đi từ một số quốc gia miền Nam châu Phi, nơi được cho là xuất phát điểm của biến chủng Omicron, song biến chủng mới này của virus SARA-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Biến thể Omicron đã được phát hiện ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp nơi trên thế giới, từ các quốc gia Bắc Mỹ, trong đó có Mỹ và Canada, tới Nam Mỹ; các quốc gia châu Âu là Tây Ban Nha, Anh, Áo, Đức, Bồ Đào Nha… và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc).

Đặc biệt, giới chức Nam Phi - một trong hai quốc gia đầu tiên ở miền Nam châu Phi ghi nhận biến thể Omicron - đã lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng, trong những ngày gần đây, biến thể Omicron đã làm tăng mạnh số ca mắc Covid-19 ở nước này và gọi tình hình dịch bệnh hiện này là “đáng lo ngại”.

Theo thông báo cập nhật tối 1-12, Nam Phi ghi nhận thêm 8.561 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng so với gần 4.400 ca ngày của 30-12 và 2.300 ca trong ngày 29-11. Biến thể Delta đã gây ra làn sóng ca mắc Covid-19 thứ 3 ở Nam Phi với đỉnh điểm là hơn 26.000 ca mỗi ngày vào đầu tháng 7, biến thể Omicron nguy cơ kích hoạt làn sóng thứ 4 với số ca mắc mỗi ngày lên đến 10.000 vào cuối tuần này.

Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý đang được cả thế giới quan tâm là hầu hết bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại Nam Phi không có triệu chứng đặc biệt. Các bác sĩ Nam Phi không nhận thấy bất kỳ triệu chứng đặc biệt nào ở những bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron so với những bệnh nhân nhiễm biến thể Delta trước đây, khác biệt đáng chú ý duy nhất là các ca nhiễm biến thể mới có độ tuổi trẻ hơn và có biểu hiện bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta. Phần lớn các bệnh nhân mới nhập viện, chiếm tới 90%, chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19, ngay cả khi thông tin về biến thể mới Omicron đang được cho khiến dịch lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta. Theo tổ chức chuyên môn lớn nhất thế giới này, nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong vì Covid-19 ở những người đã tiêm phòng đầy đủ thấp hơn đáng kể so với những người chưa tiêm.

Thông tin về biến thể Omicron còn đang được các nhà khoa học khẩn trương nghiên cứu, giải mã song đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy các loại vaccine phòng Covid-19 hiện nay không có tác dụng chống lại biến thể này. Đại diện WHO khẳng định, vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp ngăn chặn nhiều ca tử vong, kể cả trong trường hợp hiệu quả của vaccine giảm.

Biến thế Omicron có thể khiến đại dịch Covid-19 thêm trầm trọng, song đáng lo lắng hơn là cách ứng phó.

Trong phát biểu ngày 1-12, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, thế giới đang tạo ra “công thức độc hại” khiến các biến chủng SARS-CoV-2 như Omicron xuất hiện và lây lan ra toàn cầu. Người đứng đầu WHO chỉ rõ, độ phủ vaccine thấp cùng với sự chậm trễ xét nghiệm để truy vết virus đã tạo điều kiện cho virus lây lan và biến đổi, tạo ra các biến chủng.

WHO thúc giục các quốc gia đảm bảo tiếp cận công bằng với vaccine cũng các biện pháp xét nghiệm và phương pháp điều trị Covid-19 trên toàn cầu bởi chính những biện pháp này đã ứng phó có hiệu quả với biến thể Delta. Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh, các biện pháp hiện nay dùng để đối phó biến chủng Delta cũng có thể giúp ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron.

Nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch

Khi biến thể siêu lây nhiễm Omicron đã được ghi nhận tại những quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Âu và châu Á có các chuyến bay cũng như hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, chúng ta không thể không cảnh giác, nâng cao các biện pháp ứng phó, ngăn chặn. Nhiệm vụ này càng quan trọng và cấp cách hơn trong bối cảnh tình hình biến chủng Delta vẫn khiến tình hình dịch Covid-19 ở nước ta diễn biến phức tạp.

Số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận tại nước ta những ngày qua vẫn còn rất cao, lên tới trên dưới 14 nghìn trường hợp mỗi ngày. Theo đó, trung bình số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận trong 7 ngày qua ở nước ta là 13.568 ca/ngày.

Thành phố Hà Nội cũng là một trong những địa phương có số ca mắc Covid-19 liên tục gia tăng những ngày qua và số liệu công bố ngày 2-12 cho thấy đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 ca trong 24 giờ.

Việc số ca mắc Covid-19 vẫn ở mức cao là điều đã được dự báo và lường trước khi chúng ta chuyển từ “Không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Sự chuyển hướng này được đưa ra khi tỷ lệ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 ngày càng cao, đồng thời duy trì nhiều biện pháp phòng chống dịch.

Trong ngày 1-12, nước ta đã tiêm được thêm hơn 1,7 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Như vậy, tính tới nay, tổng số liều vaccine Covid-19 đã được tiêm là hơn 125 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 72,4 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 52,7 triệu liều.

Tuy nhiên, một phần do ngày càng có thêm nhiều người dân được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên đã xuất hiện biểu hiện đáng lo ngại, đó là không ít người dân và cơ quan công quyền, các doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Họ chủ quan cho rằng, đã tiêm vaccine đầy đủ thì “không ngại Covid-19”. Trong khi đó, các chuyên gia đã liên tục cảnh báo rằng tiêm vaccine có thể giảm thiểu nguy cơ mắc cũng như nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong, song vẫn có thể nhiễm bệnh và chuyển nặng, thậm chí tử vong.

Chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 2-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng chống dịch thời gian qua như: dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và dự báo còn diễn biến phức tạp hơn trước do nguy cơ xâm nhập biến chủng Omicron; số ca mắc và tử vong do Covid-19 có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế là do một bộ phận vẫn chủ quan, lơ là với dịch Covid-19; khâu thực hiện các biện pháp chống dịch vẫn có nơi còn yếu…

Chính vì thế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch Covid-19; kiên trì thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128. Thủ tướng nhấn mạnh, phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết và triển khai tiêm vaccine an toàn, hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đến hết năm nay cơ bản tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; phải rà soát lại các quy trình và việc thực hiện trong quá trình tiêm chủng, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc.

Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống dịch; người dân phải vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”. Đây là những giải pháp giúp chúng ta kiểm soát đợt dịch thứ tư do biến thể Delta gây ra và sẽ hữu hiệu để ứng phó với những biến thể mới như Omicron.