Cần thu gom loại rác “bóng đèn chứa thủy ngân”

(ANTĐ) - “Đây là một vấn đề rất mới và chưa có một nghiên cứu nào về rác thải sản phẩm chứa thủy ngân được thực hiện ở Việt Nam!”. Đó là khẳng định của hầu hết các chuyên gia về môi trường và sức khỏe khi phản hồi về bài báo “Đèn compact chứa thủy ngân, nguy hại đến mức nào?” đăng trên Báo ANTĐ.

Cần thu gom loại rác “bóng đèn chứa thủy ngân”

(ANTĐ) - “Đây là một vấn đề rất mới và chưa có một nghiên cứu nào về rác thải sản phẩm chứa thủy ngân được thực hiện ở Việt Nam!”. Đó là khẳng định của hầu hết các chuyên gia về môi trường và sức khỏe khi phản hồi về bài báo “Đèn compact chứa thủy ngân, nguy hại đến mức nào?” đăng trên Báo ANTĐ.

Sử dụng bóng đèn compact sẽ là xu thế phổ biến trong tương lai
Sử dụng bóng đèn compact sẽ là xu thế phổ biến trong tương lai

Nhà sản xuất từ chối công bố thông tin

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã nhiều lần liên hệ điện thoại với ông Nguyễn Đoàn Thăng, Giám đốc Công ty Bóng đèn và phích nước Rạng Đông đề nghị trao đổi thông tin. Song, ông Thăng đã liên tục từ chối: “Chúng tôi là nhà sản xuất, không thể công bố thông tin về công nghệ sản xuất được, như việc hàm lượng thủy ngân trong sản phẩm. Hiện nay, tôi không muốn đưa ra quan điểm hay phát biểu gì về vấn đề này”.

“Đây là kim loại độc nhất, gấp hơn nhiều lần so với chì. Nó có thể gây chết người nếu nuốt hay hít phải”, ông Nguyễn Quốc Thước, quyền Trưởng khoa Vệ sinh lao động, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy.

Ông cho biết, từ 5 năm trước, Cục Môi trường Mỹ đã liệt đèn compact chứa thủy ngân vào loại chất thải độc hại gia dụng, có hẳn một đạo luật về việc bỏ rác thải là bóng đèn này. Việc xử lý bóng đèn hỏng được quy định chặt chẽ như khi bóng vỡ, phải dùng khăn lau sạch, thu gom vỏ vỡ, bỏ vào túi nilon, vứt vào thùng rác     phân loại dành cho chất thải độc hại, không được đốt hay đưa bóng đèn compact vào lò đốt rác thải.

Chính quyền địa phương và nhà sản xuất bố trí nơi thu gom bóng hỏng và lập đường dây nóng. Có nơi, hộ dân phải đăng ký sử dụng bóng đèn compact với cơ quan chức năng nhằm đảm bảo thu hồi được bóng đèn hỏng.

Cần có ngay chương trình thu gom đối với bóng đèn hỏng chứa thủy ngân
Cần có ngay chương trình thu gom đối với bóng đèn hỏng chứa thủy ngân

Cơ quan môi trường bỏ “sót” thủy ngân

Còn ở Việt Nam thì sao? Luật Bảo vệ môi trường 2005 có quy định trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh về việc thu hồi sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ nhưng chỉ đề cập chung chung như sản phẩm pin, ăc quy, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp.

Ông Vũ Khắc Kinh, Vụ trưởng Vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ chưa có nghiên cứu, đánh giá nào về tác động của thủy ngân đối với môi trường. Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, Bộ Y tế là nơi duy nhất có dữ liệu nghiên cứu về chất độc này. Tuy nhiên, thông tin của Viện này về chất thải thủy ngân còn rất ít ỏi.

Cho đến nay, Viện mới chỉ đo nồng độ thủy ngân trong quá trình kiểm tra môi trường lao động tại Công ty Bóng đèn và phích nước Rạng Đông, Viện Khoa học kỹ thuật (đạt tiêu chuẩn) nhưng cuộc kiểm tra đã diễn ra từ 10 năm trước.

Rà soát các văn bản pháp quy, ông Nguyễn Quốc Thước khẳng định, thủy ngân mới chỉ được nhắc đến trong Quyết định 2733/2002/QĐ- BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ngày 10-10-2002 ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động.

Theo đó, trung bình trong 8h làm việc, nồng độ thủy ngân cho phép là 0,02mg/m3 không khí, tiếp xúc tối đa là 0,04mg/m3 không khí. Theo tiêu chuẩn quốc tế về môi trường không khí xung quanh dân cư (TCVN 5938-1995) nồng độ thủy ngân cho phép là 0,0003mg/m3 không khí.

Nếu so sánh những tiêu chuẩn trên với hàm lượng trung bình từ 3 - 5mg thủy ngân/bóng thì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân phát thải từ bóng đèn hỏng là rất cao. Năm 2006, Việt Nam đã tiêu thụ 10,5 triệu bóng đèn compact.

Đã và sẽ có bao nhiêu bóng đèn trong số này bị hỏng và thải ra môi trường, kèm theo lượng thủy ngân đáng kể? Chất này có thể nhiễm vào đất, nước, không khí và từ đó, quay trở lại vào con người qua nguồn nước, rau xanh... Trước thông tin này, Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường Nguyễn Khắc Hải chia sẻ: “Thực sự, vấn đề này hoàn toàn mới ở nước ta. Đây sẽ là một gợi ý tốt và Viện chúng tôi sẽ lập đề tài nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.”

Việc sử dụng bóng đèn compact ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, ông Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có chính sách thu gom rác thải là bóng đèn chứa thủy ngân để bảo vệ môi trường. Và trước tiên, nhà sản xuất cần phải có trách nhiệm, ghi rõ trên nhãn hàng hóa về cách xử lý khi bóng đèn hỏng.           

Phạm Huyền