Cần sớm có luật

(ANTĐ) - Trong một kỳ họp gần đây của ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc chuẩn bị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Cán bộ công chức, có đại biểu đặt câu hỏi: “Liệu Quốc hội xây dựng Bộ luật này có “lấn sân” Chính phủ không?”. Bởi vì Hiến pháp quy định Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Cần sớm có luật

(ANTĐ) - Trong một kỳ họp gần đây của ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về việc chuẩn bị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Cán bộ công chức, có đại biểu đặt câu hỏi: “Liệu Quốc hội xây dựng Bộ luật này có “lấn sân” Chính phủ không?”. Bởi vì Hiến pháp quy định Chính phủ có nhiệm vụ xây dựng hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương tới địa phương.

Sau 20 năm đổi mới, xã hội đã có quá nhiều chuyển biến và vì vậy, nhiều văn bản pháp quy về quản lý Nhà nước dần bị lạc hậu, cản trở sự phát triển chung. Do vậy, việc Quốc hội xây dựng dự thảo Luật Cán bộ công chức không phải là “lấn sân”, mà là lấy lại quyền của mình.

Lâu nay, hễ ai làm việc cho Đảng và Nhà nước đều được gọi là cán bộ: Cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước, cán bộ quân đội. ở các doanh nghiệp, từ lâu không còn gọi là cán bộ, nhưng khi nói đến tổ chức - nhân sự thì luôn gộp chung đội ngũ lao động tại doanh nghiệp là cán bộ công nhân viên. Từ “cán bộ” bị lạm dụng đến mức trong các trại giam, tù nhân luôn gọi những người quản tù, dù người trẻ hay già, chức thấp hay cao đều là… cán bộ.

Trong dự thảo luật thì cán bộ chỉ là những người phục vụ trong các cơ quan Đảng hoặc được bầu trong các cấp ủy Đảng, đoàn thể. Còn người nào làm việc trong hệ thống bộ máy quản lý Nhà nước, trong các đơn vị sự nghiệp công được gọi là công chức. Rất cần sự phân biệt rạch ròi này để từ đó có cơ sở chuẩn hóa lại đội ngũ cán bộ và đội ngũ công chức.

Xã hội càng đa dạng, càng phức tạp thì càng phải có đầy đủ các luật định để quản lý và chế tài một cách rạch ròi. Hiện tại, lực lượng cán bộ và công chức của nước ta quá lớn tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Luật sẽ tạo cơ sở để chuẩn hóa lực lượng này, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, giảm dần và tiến tới triệt tiêu nạn nhũng nhiễu, tham nhũng. Có dự báo rằng, nếu dự thảo Luật Cán bộ công chức được thông qua và đi vào cuộc sống, sẽ có tới 1,4 triệu người trong các đơn vị sự nghiệp không còn thuộc diện cán bộ công chức.

Cụ thể là các giáo viên, y bác sỹ, diễn viên, các đoàn nghệ thuật, vận động viên… Không nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì trở thành viên chức và chế độ đãi ngộ có thể kém đi. Vì vậy, thiểu nghĩ cần xây dựng và ban hành cả Luật Viên chức sự nghiệp để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Cũng có ý kiến cho rằng, xây dựng Bộ luật này không dễ dàng vì cố gắng bao trùm mọi hoạt động phục vụ lợi ích chung của các cơ quan Nhà nước, cơ quan tư pháp, tổ chức Đảng, đoàn thể là việc rất phức tạp.

Tuy nhiên, hướng tới một nền công vụ hiện đại là một yêu cầu cấp thiết và vì thế, việc Quốc hội phải nỗ lực để Luật Cán bộ, công chức sớm được ban hành và thực hiện nghiêm túc là điều rất cần triển khai nhanh, không thể nấn ná trước tính chất phức tạp của công việc hành pháp trong nền kinh tế thị trường và tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng.

Luật Cán bộ công chức càng sớm đi vào thực hiện thì mới giải quyết được chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng tiền lương, nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức và viên chức Nhà nước.

Đan Thanh