Cần khẩn trương vào cuộc

ANTĐ - Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết trong vòng gần một tháng qua (từ ngày 17-10 đến 7-11), cả nước đã ghi nhận thêm gần 5.000 trường hợp mắc mới bệnh tay chân miệng (TCM) với 5 ca tử vong; nâng tổng số người mắc trong cả nước lên 76.121 trường hợp tại 63 tỉnh thành và 135 ca tử vong. Ngay tại Thủ đô Hà Nội cũng đã có những ca tử vong vì căn bệnh này.

Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch, dù số ca mắc và tử vong vượt tầm kiểm soát, Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích, khi công bố tức là ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, có thể ảnh hưởng đến du lịch, giao thông và dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội khác. Đây là dịch bệnh nhóm B nên nếu có 2 địa phương công bố trước, Bộ cũng sẵn sàng công bố.

Sau nhiều thắc mắc của dư luận cũng như bức xúc của các chuyên gia y tế, vì sao không công bố dịch TCM, hôm 7-11 vừa qua, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước công bố dịch. Tuy tại địa phương này con số 471 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong là đáng báo động, nhưng so với nhiều địa phương khác, thì con số này còn rất nhỏ. Ở nhiều tỉnh khác, số ca mắc lên tới 5.000-10.000 bệnh nhân. Được biết, dịch TCM xuất hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ tháng 1-2011, từ tháng 7 trở đi dịch bắt đầu bùng phát mạnh. Ninh Thuận dù đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền và phòng dịch cho người dân, nhưng dịch bệnh không hề giảm mà tiếp tục tăng đột biến vượt quá dự báo và khả năng kiểm soát của ngành y tế địa phương.

Trong khi nhiều tỉnh có gần chục nghìn ca mắc, tăng gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước, lan ra tất cả các huyện, thị trên địa bàn nhưng các địa phương này vẫn không chịu công bố dịch thì Ninh Thuận đã công bố dịch để tránh gây ra những hậu quả khôn lường mà ngành y tế không thể một mình “gánh vác” được. Sau khi công bố dịch, ngành y tế Ninh Thuận đã phối hợp với các kênh thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền cho người dân biết, phòng tránh bệnh. Sở Y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục về tuyên truyền, tổ chức và tập huấn cho giáo viên về nhận biết, xử lý bệnh trong trường học; tăng cường thuốc về các địa bàn có các ổ dịch nặng mà ngành y tế đã khoanh vùng.

Ninh Thuận “dũng cảm” là địa phương chính thức công bố dịch TCM trên địa bàn. Sau Ninh Thuận, khả năng sẽ tiếp tục có một số tỉnh thành công bố dịch. Sau Ninh Thuận, có thể TP.HCM là địa bàn được sẽ công bố dịch bởi số người mắc vẫn tăng cao, trong đó nhiều ca tử vong. Hiện Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng tăng cường giám sát thông tin, đồng thời hỗ trợ cả về trang thiết bị lẫn thuốc thanh và kinh phí để khống chế và dập dịch tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, thay vì khẩn trương xuống địa bàn giúp địa phương thì Cục này vẫn “án binh bất động”, chỉ cho biết: “Ngoài công văn của tỉnh gửi Cục về vấn đề công bố dịch thì Cục vẫn chưa nhận được bất cứ một thông tin cụ thể nào về việc triển khai chống dịch của Ninh Thuận” (!?)

Dẫu Bộ Y tế chưa có ý kiến chính thức, cũng như chưa công bố dịch TCM, người dân vẫn hy vọng, trước sự dũng cảm, có trách nhiệm của tỉnh Ninh Thuận, sẽ có nhiều các địa phương khác “nhìn lại mình” trong công tác phòng chống dịch của mình trong thời gian vừa qua và tập trung toàn bộ nguồn lực tìm biện pháp vào khống chế và dập dịch hiệu quả nhất. Giới chuyên môn cũng hy vọng, sau việc công bố này, dịch TCM sẽ được kiểm soát tốt hơn .