Cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực

ANTĐ - Ngày 7-3, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị ĐB HĐND TP góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ĐB HĐND TP đều khẳng định dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều điểm mới và tiến bộ. Những sửa đổi, bổ sung gắn chặt với yêu cầu thực tế xã hội. 

Cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương

để thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát

Trên cơ sở lập luận, khẳng định nếu không có Đảng lãnh đạo thì không có Nhà nước; mục đích, mục tiêu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân là thống nhất; Không cần phải xây dựng luật riêng về Đảng và không nên đa đảng cầm quyền, nhiều ĐB HĐND TP bày tỏ sự đồng tình cao với những điểm sửa đổi trong Điều 4 quy định về sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là quy định Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về các quyết định của mình. Một số ý kiến đề nghị bổ sung rõ ràng và cụ thể hơn về vai trò lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa Đảng với nhân dân và sự giám sát của nhân dân với Đảng...

Đề cập các điều khoản quy định về phân công quyền lực Nhà nước, ĐB Phạm Xuân Tài (Thường Tín) cho rằng, quy định như dự thảo còn mờ nhạt về kiểm soát quyền lực. Do đó, để hoàn thiện cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan Nhà nước, dự thảo cần nghiên cứu sửa đổi 3 vấn đề về quyền phủ quyết của Chủ tịch nước, cơ chế điều hành linh hoạt cho Chính phủ và Hội đồng Hiến pháp. Để đảm bảo sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực, ĐB Phạm Xuân Tài đề xuất: “Nên thành lập Tòa án Hiến pháp để không bị trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ đảm bảo sự độc lập, khách quan trong quá trình thực hiện, tuân thủ Hiến pháp nghiêm minh hơn”.

Nhiều ý kiến ĐB HĐND TP cũng đề xuất, dự thảo chỉ có một điều cho hoạt động HĐND và UBND là chưa hợp lý. Thực tế, các chính sách, pháp luật của Nhà nước có triển khai được tới cơ sở hay không rất cần chính quyền địa phương mà đại diện là UBND và HĐND. Do đó, phải  quy định rõ cơ chế, nguyên tắc hoạt động của cơ quan này. ĐB Hoàng Công Khôi, Bí thư quận ủy Hoàn Kiếm cũng cho rằng, quy định của dự thảo về chính quyền địa phương chưa thể hiện rõ sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Dự thảo cũng chưa thể hiện rõ và chưa quy định nguyên tắc thực hiện phân quyền, phân cấp giữa chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương nhằm giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay. Dự thảo cũng chưa có quy định về sự khác biệt trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, phần nào sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của chính quyền đô thị. 

Quy định tại dự thảo về “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội” khiến nhiều ĐB HĐND TP băn khoăn. ĐB Lưu Khắc Dũng (Long Biên) góp ý: “Với đất đai sử dụng cho các dự án kinh tế xã hội, nên quy định theo hình thức trưng dụng, trưng mua. Hiện nay, pháp luật về đất đai dường như chưa rõ ràng nên nảy sinh tình trạng tư nhân hóa ngầm về đất đai, phát sinh nhiều khiếu kiện. Quan điểm vẫn đặt ra lâu nay là người dân thu hồi đất phải có cuộc sống tốt hơn, nhưng thực tế chưa được như vậy. Đây là một điểm cần được quy định rõ ràng hơn trong Hiến pháp”. ĐB Nguyễn Đình Dương (huyện Từ Liêm) cũng đề xuất: “Quy định Nhà nước thu hồi đất chỉ nên ghi là thu hồi “quyền sử dụng đất” cho mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng. Riêng dự án phát triển kinh tế xã hội phải quy định rất rõ ràng, nếu không sẽ nảy sinh những vấn đề khó có thể kiểm soát được”.