- Nhổ tận gốc "mầm độc" tín dụng đen
- Tập trung "đánh" mạnh tội phạm hoạt động băng nhóm, tín dụng đen
- Chặn mầm mống tội phạm từ "tín dụng đen"
Cùng với tốc độ gia tăng thị trường, số vụ tranh chấp khiếu nại liên quan đến hoạt động vay tiêu dùng cũng có xu thế tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý người đi vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay mà bỏ qua hoặc thiếu chú ý đến các điều khoản, điều kiện của hợp đồng dẫn đến những hiểu lầm, tranh chấp không đáng có.
Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, có hiệu lực kể từ ngày 15-10-2015 quy định: các tổ chức tín dụng (công ty tài chính, ngân hàng thương mại) phải đăng ký hợp đồng theo mẫu nếu muốn ký các hợp đồng phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng). Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường khó khăn, quyết định này đã được giãn thời gian triển khai thực hiện.
Thực tế, việc cơ sở pháp lý chưa đầy đủ đã khiến hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn còn xảy ra nhiều tranh cãi, tranh chấp, vô hình chung đã gián tiếp tạo cơ hội để “tín dụng đen” phát triển.
Theo một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, trường hợp tranh chấp xảy ra, nếu các bên không tự giải quyết được thì một hoặc các bên có quyền khởi kiện ra tòa. Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Điều quan trọng để tránh vướng phải những tranh chấp, việc nâng cao ý thức và sự hiểu biết về vay tiêu dùng là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ khâu cung cấp thông tin, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nhân viên và xây dựng các công cụ cung cấp thông tin nhằm đảm bảo tính thống nhất và chính xác của thông tin. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần dựa vào việc đánh giá hình thức và cách thức cung cấp thông tin của doanh nghiệp để phán đoán uy tín và cam kết của doanh nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần chủ động cung cấp thông tin một cách minh bạch về hoạt động của mình, nhằm giúp người dân hiểu được các sản phẩm dịch vụ tiêu dùng, thủ tục vay vốn.
Không thể thiếu trong vấn đề này, là các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra được quy định định hướng cho hoạt động của thị trường tài chính tiêu dùng một cách phù hợp.
Tăng cường giám sát các hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đảm bảo sự hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Về phía người dân, cơ quan quản lý cũng cần có những hoạt động tuyên truyền, giáo dục và nâng cao sự hiểu biết về tài chính, giúp họ đánh giá đúng cũng như lựa chọn đúng phương pháp và mức vay tiêu dùng, tránh rơi vào cảnh tranh chấp.