Nhổ tận gốc "mầm độc" tín dụng đen

ANTD.VN - Len lỏi đến từng ngõ xóm, đường phố, hoạt động “tín dụng đen” như những chiếc vòi bạch tuộc thít cổ người vay. Trong cái thế giới ngầm ấy, giữa chủ nợ và con nợ giao kèo với nhau bằng cái thứ “luật rừng”. Khi mạng lưới bị phá vỡ, phạm pháp là điều khó tránh khỏi đối với cả chủ hay con nợ.

Bắn, giết người vì “tiền bẩn”

Nói đến những hậu quả của dòng “tiền bẩn” trong thế giới tín dụng đen, chắc hẳn chúng ta không thể không nhắc đến đường dây do “ông trùm” Vũ Quang Hùng (SN 1981), trú tại số 4 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội cầm đầu. Hùng chính là kẻ đã trực tiếp cầm súng lạnh lùng bắn thẳng vào chân đàn em cũng là con nợ khiến cho người này phải nhập viện. Do quá sợ “uy danh” của “ông trùm” nên đàn em này dù bị bắn trọng thương cũng chẳng dám hé răng nói nửa lời tố cáo.

Đầu đuôi của việc bắn giết này xuất phát từ nhiệm vụ Hùng giao cho đàn em đi thu “họ”, thu hồi tiền vay của các con nợ. Tuy nhiên, có lẽ do ăn chơi hơi quá tay nên đàn em này đã trót tiêu lém vào số tiền trên. Dù đàn em đã khóc lóc van xin sẽ sớm thu xếp để trả lại “đại ca” sớm nhất, nhưng Hùng vẫn chốt “điểm nổ”. Hậu quả là tên đàn em này không chỉ bị bắn một lần mà còn bị những tay đàn em khác trong đường dây của Hùng truy sát, đẩy từ tầng 3 xuống đất bất tỉnh…

Nhắc đến hậu quả của hoạt động tín dụng đen, chỉ huy của Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS không khỏi ái ngại. Theo chỉ huy đơn vị, hậu quả của những hoạt động vay nợ kiểu này chưa bao giờ có kết cục tốt đẹp. Sự ăn chia không sòng phẳng hay chỉ cần con nợ chậm trễ trong việc thanh toán số tiền đã vay, những tay chủ nợ này sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để ép con nợ phải “nôn” tiền, từ nhắn tin ngọt nhạt dỗ dành đến ném mắm tôm, chất bẩn, dầu luyn và nặng đô hơn là xốc nách con nợ quẳng vào một góc nhà, bỏ đói vài hôm cùng với những màn tra tấn theo kiểu Trung cổ… Tất cả chẳng ngoài mục đích buộc con nợ phải trả lại tiền cả gốc và lãi. 

Lật tập hồ sơ dày cộp liên quan đến hoạt động cho vay tín dụng đen, chỉ huy Đội Điều tra trọng án lấy ra cho chúng tôi bản kết luận điều tra về vụ án giết người xảy ra ở quận Cầu Giấy vào giữa năm 2015. Đêm 8-6-2015, Hà Mạnh Quân (SN 1990, HKTT tại Tên Tân, Ý Yên, Nam Định) đã cùng với một số đối tượng đến quán nước của Từ Thị Thanh Hà (SN 1968, ở Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) để thu số tiền chơi “họ” hàng ngày của Hà là 200 nghìn đồng. Khi đến nơi, Hà nói chưa có tiền và xin Quân cho khất lại ít bữa.

Vừa nghe con nợ nói đến đây, Quân  thẳng thừng từ chối và đe dọa sẽ “tẩn” con nợ. Thấy Hà sắp bị nhóm cho vay nặng lãi đánh đập, bạn của Hà liền nhắn tin cho con trai Hà là Nguyễn Trọng Hiếu khẩn trương đến hỗ trợ. Nhận được tin nhắn, Hiếu cùng hai người bạn tức tốc bỏ dở bữa nhậu phi thẳng về nhà xách theo khẩu súng dạng súng bắn đạn ghém đến quán nước của mẹ mình.

Khi đến nơi, Hiếu đi vào trước để đánh lạc hướng chú ý của chủ nợ, để đồng bọn cầm súng đi sau. Quân chưa kịp hành hung hai mẹ con con nợ thì đã bị đồng bọn của Hiếu cầm súng chĩa thẳng vào mặt bóp cò. Một tiếng nổ đanh gọn vang lên, Hà Mạnh Quân gục xuống sàn nhà trong vũng máu. Các đối tượng gây án ngay sau đó đã bị Phòng CSHS và CAQ Cầu Giấy bắt giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi giết người.

Những cạm bẫy trá hình

Loại hình tín dụng này đã tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội, bởi người ta đã quá quen với khái niệm “vay nóng” khi có nhu cầu cấp bách về tài chính và chấp nhận phải trả một khoản lãi lớn hơn so với quy định. Hiệp “già”, một thời từng làm chủ cả chuỗi cửa hàng cầm đồ tại Gia Lâm cho biết, khách hàng tìm đến tín dụng đen chủ yếu là đám “ma cô” bảo kê cho gái mại dâm hay những kẻ mê đánh bạc. “Phần lớn con nợ này đều là dân xã hội, tù tội, nghiện ngập. Nếu mình không đủ độ rắn, thì việc bị con nợ xỏ mũi là đương nhiên. Khi đó, không những mất rất nhiều tiền đã cho vay mà uy danh trong giới cũng sẽ tiêu tan, hết cửa làm ăn với các “ông chủ” khác ngay” - Hiệp “già” đúc kết.

Thân hình béo tròn, thấp đậm, Hiệp “già” dễ làm cho người ta liên tưởng tới một  trọc phú thời phong kiến. Đằng sau cái vẻ có phần khù khờ ấy lại là một sự thâm độc và mưu mẹo của kẻ lọc lõi đã từng lăn lộn với cái nghề “bạc bẩn” này. Thời ấy, nếu con nợ mà có ý định “xù tiền”, Hiệp “già” chỉ cần bắn tin: “Anh biết con em học rất giỏi, cháu nó còn có tương lai dài phía trước, thật không đáng khi phải đánh đổi số tiền nhỏ nhoi này với tương lai của nó”. Chỉ cần vài lời ngọt nhạt như vậy thôi, cộng với độ máu mặt của Hiệp “già”, con nợ cũng đủ lạnh sống lưng, lập cập đến trả tiền. Dù nay đã “cải tà quy chính” song mỗi khi nhắc lại cái nghề này, Hiệp “già” không khỏi trầm ngâm: “Cái nghề này bạc lắm, đã lấn vào thì khó có thể bỏ được vì lời lãi như trên mây. Chỉ cần một đêm ngủ dậy, cộng nhẩm tất cả tiền lãi mà số con nợ phải trả trong ngày có khi cũng lên đến hàng trăm triệu nếu  là “ông chủ lớn”. Tuy nhiên, cũng có thể tra tay vào còng số 8 bất cứ lúc nào.

Nhổ sạch mầm độc

Thông tin với phóng viên, đại diện Đội Điều tra trọng án, Phòng CSHS, CATP Hà Nội cho biết: Trong vòng 10 năm trở lại đây, hoạt động tín dụng đen phát triển khá rầm rộ. Những cuộc chơi như “giải họ”, “bốc họ”, vay không cần thế chấp, tín chấp… mọc lên như nấm sau mưa. Đi trên những ngã tư, con phố, không khó để chúng ta có thể bắt gặp được những tờ giấy dán trên cột đèn điện, gốc cây mời chào về vay nợ. Sau những lời quảng cáo “an tâm, giải ngân nhanh chóng, lời lãi theo thỏa thuận” là cạm bẫy chết người mà mỗi khi người vay nào nhúng vào thì khó có con đường rút ra. Đây cũng là hoạt động tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ANTT rất lớn trên địa bàn thành phố. Nhiều vụ giết người, đổ mắm tôm, chất bẩn, bắt giữ người trái pháp luật, đe dọa giết… đã xảy ra gây hậu quả đau lòng. 

Trước những diễn biến của tình hình hoạt động tín dụng đen này, Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã xây dựng và triển khai Kế hoạch 231 ngày 25-8-2016 điều tra cơ bản cũng như xử lý triệt để về hoạt động trên tại 30 quận, huyện và thị xã. Theo đó, đến nay Phòng CSHS đã tập hợp từ báo cáo của các đơn vị xác định có hàng nghìn cơ sở, đối tượng đang hoạt động theo kiểu tín dụng đen. Những cơ sở cầm đồ có giấy phép hoạt động cũng là những mầm mống hoạt động cho vay nặng lãi hay hoạt động tín dụng đen dưới nhiều hình thức khác nhau. Thống kê của Phòng CSHS cho thấy, từ tháng 11-2015 đến nay, trên toàn thành phố đã xảy ra 192 vụ việc liên quan đến hoạt động “giải họ”, “bốc họ”. Có tới 200 vụ đổ chất bẩn, 43 vụ cố ý gây thương tích, 8 vụ hủy hoại tài sản, 4 vụ bắt giữ người trái pháp luật, bị xử phạt hành chính… Nhiều trong số đó có cả những vụ giết người như vụ của đối tượng Hiếu tại Cầu Giấy, hay đối tượng Hùng ở Ba Đình… đã bị CATP Hà Nội bóc gỡ.

Con số 476 vụ đổ chất bẩn trong năm 2015 (giảm 52 vụ so với năm 2014) mà trong số đó có tới 90% số vụ liên quan đến hoạt động tín dụng đen đã phần nào nói lên được nỗi bức xúc của người dân cũng như cho thấy nguy cơ, mối tiềm ẩn từ hoạt động phi pháp này. Lực lượng CATP Hà Nội đã đấu tranh triệt phá 33 vụ với 42 đối tượng, truy tố cũng như xử phạt hàng chục đối tượng có liên quan. Trong 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 225 vụ đổ chất bẩn và trong số này, 90% cũng liên quan đến hoạt động tín dụng đen… 

Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch 231 được CATP Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng, phục vụ công tác điều tra, xử lý, truy xét, bắt giữ những đối tượng vi phạm liên quan đến hoạt động này cũng như trên mọi công tác đấu tranh phòng chống tội phạm khác có liên quan. Kế hoạch 231 được xây dựng rất chi tiết, kỹ càng, không chỉ điều tra cơ bản tất cả những cơ sở, đối tượng… hoạt động theo kiểu tín dụng đen, mà qua đó còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa trong nhân dân… kết hợp với sự quyết liệt của lực lượng công an ở từng cấp để nhổ tận gốc những “mầm độc” của hoạt động tín dụng đen này.