Cạn chén với ẩn sĩ Bắc Giang 

(ANTĐ) - Quê ở Bắc Ninh. Bạn cùng trang lứa với Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Trần Anh Trang, Nguyễn Thanh Kim (toàn những văn nhân tài tử nổi tiếng tài hoa nhưng cũng nổi tiếng hâm hấp). Nhưng  Anh Vũ chọn cho mình cuộc sống như một ẩn sỉ tại xóm trại hoang vắng, heo hút ở núi đồi Bắc Giang.

Cạn chén với ẩn sĩ Bắc Giang 

(ANTĐ) - Quê ở Bắc Ninh. Bạn cùng trang lứa với Trần Ninh Hồ, Nguyễn Phan Hách, Trần Anh Trang, Nguyễn Thanh Kim (toàn những văn nhân tài tử nổi tiếng tài hoa nhưng cũng nổi tiếng hâm hấp). Nhưng  Anh Vũ chọn cho mình cuộc sống như một ẩn sỉ tại xóm trại hoang vắng, heo hút ở núi đồi Bắc Giang.

Học Trung cấp Sư phạm Mỹ thuật ở Hà Nội ra trường về dạy học ở Bắc Ninh. Từ 1965 chiến tranh phá hoại lan rộng ra Bắc, thị xã Bắc Ninh tiêu điều, vắng vẻ, dân tình sơ tán chạy dạt về mấy vùng quê. Anh Vũ (bí danh là Vũ sứt) cố thủ ở số nhà 50 phố Nhà Chung ngay giữa thị xã Bắc Ninh viết tiểu thuyết “Ấp suối lửa”, và sáng tác những câu thơ lạ lẫm (vào cái thời đó):

Đây Dủi, đấy Diềm, Bó, Ó, Chọi

Lim bịu đôi phiên Dọc, núi Chè

Nồng nỗng sông Cầu chưa biết thẹn

Tôi thuở trai làng, Em gái quê”…

Chẳng biết tiểu thuyết “Ấp suối lửa” thế nào chứ thơ mà như thế thì có mà… no đòn (cái thuở ấy nó như vậy đấy). Đang ngồi chức “Trưởng ban biên tập phụ trách mảng sáng tác của Tạp chí Kinh Bắc, thế là đùng một cái, vợ chồng con cái bồng bế dắt díu nhau dạt mãi lên tận một xóm trại hoang vắng, heo hút ở núi đồi Bắc Giang.

Nhà Vũ sứt 3 gian thì 2 gian chất kín sách. Đói ăn quanh năm mà Vũ sứt lúc nào cũng bụng phệ phè phỡn như ông Di lặc. Cười hết cỡ. Tóc xõa vai thi sĩ. Anh Vũ viết tiểu thuyết, làm thơ từ những năm 1960, mãi đến 2002 mới được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Vũ uống rượu ghê gớm. Mấy chục năm sống đời một ẩn sĩ lủi thủi nơi xóm đồi hoang vắng, nghèo đói.

Có lẽ vì vậy chăng mà cuối đời ông đạt được nhiều thành tựu văn hóa, nghệ thuật thơ ca, điều khắc, hội họa. Thống kê tác phẩm của ông thì hơi mệt. Ngoài những sáng tạo nghệ thuật, ông còn là một nhà dân tộc học, xã hội học rất chịu đi điền dã và có nhiều tác phẩm khảo cứu văn hóa, địa chí vùng Kinh Bắc không đến nỗi tồi. Xứ Kinh Bắc có 8 tượng đài lớn thì ông Vũ  là tác giả của 3 tượng đài... Tính tình hiền lành, khiêm nhường lắm, chỉ nhận mình là học trò của Lê Liên làm tượng.

Mấy năm nay đường cao tốc mở băng qua núi đồi, ngay sát nhà ông (Vũ sứt) - bạn bè gọi vui ông là ẩn sĩ bên đường… cao tốc thì ông cười khà: “Nghe dị ứng nhỉ”. Lại hỏi thêm: “Tại sao sứt răng” (Vũ sứt) thì ông thật thà: Uống rượu say, có thằng bạn xui trồng cây chuối máu dồn xuống não sẽ được xuất thần làm thơ. Tôi chót dại làm theo lời nó. Ngã rục xuống, may không gẫy cổ, chỉ gẫy hai cái răng cửa. Có tên Vũ sứt là vậy.

...

Tượng của Anh Vũ chất phác nhưng tinh tế, hồn nhiên, chịu ảnh hưởng sâu đậm tượng dân gian đình chùa châu thổ Bắc Bộ. Lớn nhỏ hơn bốn trăm tác phẩm bày la liệt trong sào vườn um tùm cây dại trước nhà. Đêm sáng trăng mò ra vườn, chỉ toàn thấy mẹ Đốp, Thị Nở, Chí Phèo, Chú Tễu đầu tròn, đầu dẹt, hoác miệng nửa cười nửa mếu lấp ló bụi cỏ, cành cây nhìn mà chết khiếp. Riêng Chí Phèo, Thị Nở, Anh Vũ đã nặn tới 108 bức.

Mấy chục năm nằm lỳ ở cái xóm trại nghèo khó, heo hút đó, Anh Vũ đọc hàng vạn quyển sách đông tây kim cổ. Rồi ông viết văn, làm thơ, nặn tượng, viết khảo cứu và luôn toét miệng cười, nồng hậu tiếp đón bạn bè tứ phương có lòng lên chơi với ông. Mới đây, tôi có dịp lên thăm ông, hỏi han ông về những dự định sắp tới của mình.

- Hình như tháng 8 này, bác tổ chức triển lãm sắp đặt vườn tượng Anh Vũ tại Hà Nội?

- Đúng như vậy. Nhưng tôi không tổ chức tại Hà Nội mà sẽ  tổ chức ngay tại nhà tôi đây, tại cái xóm Đồi heo hút tỉnh Bắc Giang này.

- Bác có thể kể lướt qua cái kế hoạch tổ chức triển lãm sắp đặt vườn tượng Anh Vũ.

- Tôi có 3 tháng để cải tạo cây cỏ và sắp đặt lại các tác phẩm của tôi trong khu vườn. Tham dự triển lãm này ngoài xin xít  500 pho tượng kia sẽ còn có thêm 6 pho tượng các nhân vật trong tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng và 9 pho tượng các nhân vật trong tiểu thuyết “Đêm thánh nhân” của nhà văn Nguyễn Đình Chính.

- Đơn vị nào sẽ là chủ đầu tư của triển lãm này?

- Công ty cổ phần truyền thông Nguyễn Đình Thi là đơn vị chủ đầu tư. Lễ khai mạc triển lãm sẽ diễn ra trong 1 ngày. Đón các quan khách, bạn bè văn nghệ sĩ, các phóng viên  báo chí truyền thông truyền hình từ Hà Nội, từ Bắc Ninh, Bắc Giang lên.

Tổ chức tọa đàm về các tác phẩm vườn tượng trong buổi sáng. Trưa mời dự tiệc nhà quê. Không phải tiệc đứng mà là tiệc ngồi bệt trên chiếu trải ra sân ra vườn. Buổi chiều hàn huyên xem tranh xem tượng. Nhá nhem nhọ mặt thì giải tán. Ôtô rước các quan khách bạn bè người nào về nhà người nấy. Vị nào thích thì ở lại uống rượu đàm đạo văn chương nghệ thuật với anh em chúng tôi cho vui.

...

Chào từ biệt nghệ sĩ Anh Vũ ra về, đi ngang qua khu vườn tượng của ông. Lẫn  trong cỏ cây, hàng trăm cái mặt đất nung kì dị ngộ nghĩnh lấp ló nhìn ra. Tôi nhìn thấy hình như có cả cái mặt đất nung của ông Anh Vũ và chợt như cũng có cả cái mặt đất nung của chính tôi đây. Thấy tôi ngơ ngác, nghệ sĩ Anh Vũ  không nói gì cả mà chỉ vỗ vai tôi rồi cười rất  tươi. 

Nam Trần