Cần “bắt tay” đồng lòng

ANTĐ - Theo giới phân tích, chỉ số giá tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm liên tục giảm. Tháng 7 giảm 0,29% so với tháng trước, dự kiến tháng 8 tiếp tục giảm. Nó có thể tăng trở lại bất kì lúc nào khi giá cả thế giới tăng lên. Nếu kinh tế phục hồi, thì các loại giá cả có khả năng tăng cao. Trong khi đó, giá điện, than, xăng dầu đã tăng và có xu hướng tiếp tục tăng nữa. Những yếu tố này sẽ “hỗ trợ” cho lạm phát “bùng phát” trở lại trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định, đây là một trong những thách thức vì chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng giảm ở mức thấp hơn so với định hướng điều hành. Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, lúc này không phải quá lo lắng là lạm phát liệu có đạt được như định hướng điều hành hay không. Điều quan trọng là không bao giờ được lơ là trước việc lạm phát tăng trở lại.

Nếu để lạm phát “trỗi dậy” trong năm 2013 thì niềm tin điều hành kinh tế sẽ suy giảm và nền kinh tế sẽ vô cùng khó khăn. Báo cáo nghiên cứu thường kỳ của Công ty Vietnam Report vừa công bố cho thấy, điều tra khảo sát 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, 500 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và tăng trưởng lớn nhất, hầu hết đều chấp nhận kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục xấu trong những tháng cuối năm, số lượng lao động sẽ giảm nhiều hơn so với 6 tháng đầu năm. Mặc dù hơn 90% doanh nghiệp khẳng định việc tái cấu trúc là cấp thiết và tất yếu, nhưng dòng vốn tín dụng rót cho doanh nghiệp vẫn hạn chế. Các ngân hàng chỉ “ưu ái” cho các doanh nghiệp lớn và có lãi hoặc các doanh nghiệp “thân thiết”.

Không ít doanh nghiệp cho rằng, họ cần được cứu trợ khẩn cấp bằng cách giảm thuế, giãn nợ, xóa nợ, tăng thêm tín dụng giá rẻ, “kích hoạt” thị trường bất động sản, nếu không thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản. Mặc dù Chính phủ đã có các biện pháp như giảm thuế, chỉ đạo “treo nợ”, giãn nợ hoặc xóa nợ cùng với những biện pháp tiền tệ, song tiếng “kêu cứu” chung của các hiệp hội ngành hàng, nhất là ngành vật liệu xây dựng, vận tải, bất động sản, sản xuất ô tô... vẫn không ngớt. Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đã được nói tới nhiều, trong khi sản xuất nông nghiệp và người nông dân cũng lao đao, khốn đốn không kém.

Dịch bệnh hoành hành, lại thêm sức mua suy yếu khiến giá cả suy giảm, người chăn nuôi không có lãi. Tình trạng “treo chuồng”, “treo đàn” đang diễn ra tràn lan. Bên cạnh việc hỗ trợ, cứu trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, theo ý kiến của một ủy viên Ủy ban Kinh tế, rất cần “tiếp sức” cho nông dân và cả khu vực nông nghiệp nông thôn để giải “bài toán” kiểm soát giá cả. Chẳng hạn, ngoài chính sách thu mua tạm trữ lương thực, nên có những ưu đãi, trợ giá cho người chăn nuôi. Có một thực tế là, lạm phát giảm nhưng người dân chưa thực sự được hưởng mức giá thấp. Giá lương thực, thực phẩm từ tay người sản xuất đến tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều “tay” trung gian nên giá cả bị đội lên gấp nhiều lần. Ở đây, thiếu cái “bắt tay” đồng lòng giữa ba Bộ Tài chính - Công Thương - Nông nghiệp để giảm bớt tác nhân gây chi phí đẩy trong khâu lưu thông, phân phối, giá cả…

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nông dân cũng như cho người dân trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng không chỉ cần những biện pháp từ trên xuống, mà rất cần những cái “bắt tay” đồng lòng, đồng thuận của các bộ, ngành.