Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội vào cuộc sống:

Cam kết ngăn chặn lạm thu tiền trường

ANTĐ - “Khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm học thêm; tiêu cực trong thi cử; lạm thu trong trường học”. Đó là cam kết của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ.

Vẫn còn bức xúc

5 năm qua, quy mô, mạng lưới trường học Thủ đô từng bước phát triển. Hà Nội hiện có 2.557 trường học và các cơ sở giáo dục với trên 1,6 triệu học sinh. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều có những chuyển biến tích cực. Nhiều học sinh của Hà Nội đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường: đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và được nâng cao về chất lượng đào tạo. Cơ sở vật chất các trường học từng bước được cải thiện. Chương trình kiên cố hóa, hiện đại hóa trường lớp tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả tốt. Tính đến tháng 10-2015, thành phố đã có 1.058 trường đạt chuẩn quốc gia. 

Dù vậy, nhìn thẳng vào thực tế, Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đánh giá, mức độ phát triển và chất lượng giáo dục giữa các trường, các khu vực trong thành phố chưa đồng đều. Phân cấp quản lý giáo dục còn bất cập, thiếu sự thống nhất. Điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị trong các trường học tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Quỹ đất dành cho phát triển giáo dục ở một số quận, huyện, các khu đô thị mới còn thiếu. Một bộ phận đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Vấn đề lạm thu, dạy thêm, học thêm ở một số nơi vẫn tồn tại, gây bức xúc trong dư luận nhân dân...

Đổi mới đi kèm với chấn chỉnh vi phạm

Theo định hướng phát triển Thủ đô trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục, Hà Nội cần thực hiện tốt 3 nhiệm vụ chiến lược: nâng cao dân trí; đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; từng bước tiếp cận trình độ giáo dục - đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Nhận thức rõ những thuận lợi cũng như khó khăn, thử thách, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Giải pháp trước hết là chú trọng quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Có chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài về công tác trong ngành giáo dục. 

Cùng với đó, phải tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hoá, tiên tiến và từng bước hiện đại. Cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý tài chính, chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, cần tăng tốc xã hội hóa, huy động các nguồn lực chăm lo cho phát triển giáo dục. Phải chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Cùng lúc, cần đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân cấp quản lý thực hiện Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ. 

Để từng bước “hạ nhiệt”, tiến tới xóa bỏ những vấn đề gây bức xúc dư luận lâu nay, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, sẽ sớm hoàn thiện đội ngũ thanh tra chuyên trách nhằm siết chặt hơn nữa công tác thanh tra giáo dục. “Cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và thông báo công khai trước công luận nhằm khắc phục cơ bản tiêu cực trong dạy thêm học thêm; tiêu cực trong thi cử; lạm thu trong trường học; chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, hoạt động đào tạo liên kết với nước ngoài và các tồn tại khác theo quy định của pháp luật’ - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cam kết.