Cám cảnh cho chợ chữ

ANTĐ - Vẫn biết chợ chữ ở Văn Miếu đã có ngót chục năm nay, hôm nọ nhân rỗi rãi, rỗi hơi tôi mới ghé qua. Đông nghẹt người chen chúc xếp hàng mua chữ cứ như ngày trước mua hàng mậu dịch. 

- Ngày xưa nhiều người thất học, chữ nghĩa ít nên “khát” chữ, xin chữ treo trong nhà để tỏ ra biết quý trọng cái sự học. 

- Người xưa từng nói, treo chữ còn để con cháu soi vào mà hướng đến cái đích học thành người. Còn người lớn xin chữ là xin cái nhân nghĩa, cái đạo làm người. 

- Thời buổi bây giờ bằng cấp, chứng chỉ, ngoại ngữ… đầy mình, cớ sao người ta vẫn tranh nhau mua chữ, bán chữ? Chẳng nhẽ có nhiều chữ mà vẫn ít đức, ít nhân nghĩa?

- Mỗi thời mỗi khác. Ngày trước chưa có chợ chữ. Ngày nay chợ chữ ồn ào, đủ loại, đủ kiểu, thuận mua vừa bán. Có chữ giá năm chục, một trăm, có khi tới năm trăm, một triệu. 

- Chơi chữ, treo chữ theo tôi là tập quán, truyền thống hướng thiện, nói cho đẹp là xin chữ, chứ nói mua bán thì như hàng hóa kiểu chợ búa. Tiền càng nhiều thì chữ càng to, càng đẹp, khát vọng càng lớn sao?

- Loanh quanh chợ chữ, tôi nhận thấy cũng đầy bụi bặm thương trường, cũng kẻ mua người bán eo sèo. Thật cám cảnh cho chợ chữ mất dần cái nghĩa tốt đẹp, sang trọng. 

- Còn cám cảnh hơn khi vào chơi một vài nhà hay văn phòng thường thấy họ treo chữ Phúc, Đức, Lộc hay chữ Tài, hầu như không thấy có chữ Nhẫn. 

- Thú thật, tôi vốn ít chữ, nói gì tới “nho nhe”. Ông có thể chiết tự chữ Nhẫn cho tôi sáng ra. 

- Chữ Nhẫn tượng hình là lưỡi mác xoáy vào tâm (tim). Nếu không nhẫn nại, nhẫn nhịn thì khó mà có được phúc, đức, tài, lộc.