Cấm bán rượu sau 22h: Dân "nhậu chui", làm sao giám sát?

ANTD.VN -PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, trên thế giới chưa có nước nào ban hành “Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” như dự Luật mà Bộ Y tế nước ta đang lấy ý kiến cả, chưa kể nhiều quy định trong luật rất thiếu tính khả thi…

Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia đưa ra quy định cấm bán rượu bia sau 22h

Sáng nay, 18-4, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm về dự án “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”. Đây là dự án Luật vừa được Bộ Y tế (đơn vị chủ trì soạn thảo) đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất tại dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là quy định về khung giờ được phép bán rượu, bia tại Việt Nam.

Cụ thể, dự án Luật quy định chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hằng ngày; Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22 giờ, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch…

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, quy định cám bán rượu bia từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau hay bán rượu bia theo 2 khung giờ nhất định trong ngày như trên sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến ngành rượu bia mà cả ngành du lịch, phát triển kinh tế của các địa phương. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát thực thi quy định cũng khó khả thi.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Viêt Nam cho rằng trên thế giới hiện nay, những nước nào thực hiện luật cấm sử dụng rượu, bia theo giờ chỉ dẫn đến việc người dân làm trái hay cố tình lách luật. Ví dụ cấm bán sau 10h đêm thì người ta sẽ cố uống nhiều nhất có thể trước 10h đêm và sau đó thì tìm đến những loại rượu, bia bất hợp pháp khác.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định cấm bán rượu bia theo khung giờ từ sau 22h, thực tế nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định như vậy nên đây là đề xuất hoàn toàn có cơ cở.

“Tuy vậy, về mặt thực tiễn thì nếu cấm bán bia rượu sau 22h cũng khó giảm được lượng tiêu thụ rượu bia, bởi người ta có thể sử dụng bia rượu mua từ trước khung giờ đó. Vấn đề nữa là quản lý, giám sát ra sao cũng cần phải tính toán” – ĐBQH Trương Minh Hoàng nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đề nghị không thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một Quỹ, trong đó các doanh nghiệp bia, rượu phải đóng 2% tổng doanh thu/ năm này như quy định được đưa ra trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cũng không đồng thuận với quy định về cấm giới thiệu, hạn chế quảng cáo, tài trợ bia rượu. Về nội dung này, ĐBQH Trương Minh Hoàng cho rằng đúng là cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ bởi hiện chúng ta đã có Luật Quảng cáo. ĐB Trương Minh Hoàng nêu rõ, việc quy định quảng cáo một mặt hàng, sản phẩm cụ thể nào đó đều phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Quảng cáo chứ không nên đưa vào các Luật cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới trùng lặp, chồng chéo.

Các đại biểu trao đổi tại buổi tọa đàm

PGS.TS Nguyễn Văn Việt cho biết, nếu sử dụng rượu, bia điều độ, phù hợp với khuyến cáo thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe. Hơn nữa, nguyên nhân chính gây ra tác hại hay các vụ ngộ độc là do người tiêu dùng sử dụng các loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo ATTP.

Hơn nữa, đồ uống có cồn bao gồm nhiều loại sản phẩm khác chứ không chỉ có bia, rượu. “Do đó, dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia cần phải điều chỉnh lại. Chẳng hạn cần  đổi tên thành “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn”, hoặc “Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”” – ông Việt nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia kinh tế, ĐBQH dự buổi tọa đàm đều nhất trí rằng cần xây dựng một luật để kiểm soát rượu bia, song dự án Luật này phải tập trung vào kiểm soát, nhất là kiểm soát việc lạm dụng rượu bia, kiểm soát bia rượu không đảm bảo chất lượng… chứ không nhằm để cấm.