Cai nghiện cho người... dưng

ANTĐ - Không phải cha, không phải mẹ, không phải người thân thích; Không phải vì tiền, không phải vì bất cứ một ràng buộc nào khác,  nhưng một người “dưng” đã dang tay cứu giúp một kẻ nghiện ngập không hề quen biết từ lều vịt đưa về nhà mình chăm sóc cai nghiện. Người đã gieo mầm thiện đó  là tấm gương của bác  Trần Hữu Nhâm ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Bác Trần Hữu Nhâm và cháu Việt, con trai anh Chu Văn Chung

Một mảnh đời đắng cay

Chu Văn Chung sinh ra trong một gia đình cán bộ có đến 7 anh chị em. Bố nguyên là lãnh đạo một sở ở tỉnh Lai Châu cũ. Điều kiện gia đình khấm khá, anh chị em đều thành đạt, bản thân Chung cũng đã học Trung cấp Điện và làm công nhân tại Công ty Điện lực ở Lai Châu. Có lẽ những lần đi công tác xa, vượt đèo suối vào những làng bản của vùng cao cùng với nỗi nhớ nhà, sự khích bác của những người đồng trang và sự tò mò đã khiến Chung tìm đến thuốc phiện. Một lần, hai lần, rồi nghiện lúc nào không biết. Cám dỗ từ cái chất kích thích chết người ấy đã đưa Chung trở thành kẻ dặt dẹo sống dở chết dở như một cái giẻ rách.

Biết Chung nghiện, gia đình đã nhiều lần đưa Chung đến trung tâm cai nghiện ở khắp nơi. Ngay chính bản thân Chung cũng đã nhiều lần tự nhủ phải vượt qua những cơn nghiện. Nhưng cai nghiện rồi lại tái nghiện. Để giúp Chung tránh xa với các bạn nghiện, có một môi trường mới để đoạn tuyệt với ma túy, gia đình đã gửi Chung về nhà một người bác ruột ở quê xã Bồ Đề - Bình Lục - Hà Nam. Nhưng cũng không có kết quả. Ở với bác được một thời gian, không có thuốc, không nghề nghiệp, không tiền bạc, Chung lại càng chán nản. Rồi đến một ngày, sức chịu đựng cũng có giới hạn, người bác mắng Chung với hy vọng anh tỉnh táo để trở lại làm người. Nhưng đó cũng là lúc tự ái và sỹ diện của người đàn ông trong anh trỗi dậy, anh đã quyết định bỏ nhà. Rời bỏ nhà người bác, Chung lang thang vạ vật khắp nơi.

Đang là lúc tận cùng đau khổ vật vã của một kẻ đói thuốc thì cũng là lúc Chung nhận được tin mẹ bị điên vì sự ra đi của người anh trai. Lúc đó Chung chỉ nghĩ đến cái chết, anh không còn ai để có thể bấu víu. Cho rằng bố và các anh chị đã từ bỏ anh, mẹ thì bị điên, anh trai thì chết... Cuộc đời anh lúc đó là cả chuỗi ngày dài tuyệt vọng. Chung lang thang nay đây mai đó, ngày dặt dẹo vật vờ, tối lại về ngủ tại một cái lều vịt ngoài đồng.

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Cái lều vịt mà anh vẫn trú ngụ hàng đêm chính là của gia đình bác Trần Hữu Nhâm. Bác Nhâm khi đó là Bí thư Chi bộ xóm Văn Ấp xã Bồ Đề thấy hoàn cảnh đáng thương của Chung đuổi đi không nỡ, mà đưa về nhà cũng không đành. Còn gia đình, còn vợ con, ai đồng chý để cho mình rước một thằng “của nợ” về nhà. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, bác Nhâm đã quyết định cai nghiện cho Chung. Mà muốn cai nghiện cho Chung thì không có cách nào khác là đưa Chung về nhà. Nghĩ là làm, bác Nhâm đã đón Chung về chính ngôi nhà của mình đang ở cùng sinh sống với vợ chồng bác và 4 người con.

Đúng như suy nghĩ của bác Nhâm, khi đón Chung về ở cùng, không chỉ những người trong gia đình mà cả những người xung quanh cũng không đồng tình, ủng hộ cái ý định gàn dở của người cựu chiến binh già. Bao nhiêu năm chiến đấu khắp các chiến trường Lào, Campuchia, lại là sỹ quan biên phòng làm công tác vận động quần chúng, chẳng nhẽ lại chịu thua những người xung quanh, chẳng nhẽ lại vứt đi một con người. Bác không đành lòng. Đầu tiên bác vận động người thân hãy giúp đỡ Chung hòa nhập với cuộc sống bình thường, cùng làm, cùng ăn.

Sau đó bác vận động hàng xóm xung quanh có cái nhìn thiện cảm đối với Chung, đừng xa lánh hay khinh ghét để thức tỉnh phần người còn sót lại trong cái thân xác nghiện ngập kia. Còn với Chung, bác quản lý chặt chẽ  từ giờ giấc sinh hoạt đến chuyện chi tiêu tiền nong, đặc biệt là luôn tỷ tê trò chuyện để nắm bắt tư tưởng của Chung. Bác thường tâm sự với anh: “Đấy con xem, gia đình con từ bỏ con vì không thể chịu được, bác đón con về cũng có người nói này nói nọ, vậy con phải làm sao cố gắng để bác không mang tiếng”. Sống gần với bác, bằng tình cảm yêu thương, Chung đã hiểu ra rằng khi anh tuyệt vọng vẫn có một bàn tay khác đỡ lấy, chứ không phải ai cũng quay mặt hết đi với anh. Anh quyết tâm cai nghiện. Vượt qua những cơn đói thuốc không hề đơn giản, nhiều lúc Chung định bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến bác Nhâm, nghĩ đến một người “dưng nước lã” mà dang tay giúp một kẻ nghiện ngập như anh, nếu anh tái nghiện thì sẽ trở thanh một kẻ vô ơn. Mỗi khi lên cơn, anh tự nhốt mình vào buồng và quyết tâm cai nghiện bằng được.

Biết Chung có ý thức cai nghiện, bác Nhâm đã bố trí giao việc làm cho Chung phù hợp với sức khỏe của anh để anh quên đi nỗi thèm thuốc. Về ở nhà bác Nhâm được 1 năm. Đến năm 2004, người thanh niên ấy đã chính thức đoạn tuyệt được với ma túy. Cha anh Chung khi biết tin con mình được bác Nhâm cưu mang, cai nghiện thành công đã bí mật gọi điện về cho bác, nói lời cảm ơn và nói: “Tôi sinh ra con tôi nhưng chính bác mới là người có công dưỡng dục cháu thành người”.

Ngôi nhà ấy, hồn nhiên tiếng cười

Khi chúng tôi tìm đến ngôi nhà của bác Trần Hữu Nhâm, tiếng trẻ em cười đùa từ trong nhà vọng ra đến ngõ. Một cô bé chừng 7 tuổi rụt rè nhìn tôi, đứng bên cạnh là một bé trai chừng 4 tuổi. Hỏi ra mới biết, cậu bé con ấy chính là con trai anh Chu Văn Chung. Mấy hôm nay, mẹ vợ anh Chung ốm nặng, vợ chồng túc trực bên ấy để phòng có chuyện không hay, cậu bé Việt con anh ở luôn bên này để ông bà Nhâm tiện chăm sóc. Bây giờ, Chung đã trở thành “người trong nhà” với gia đình bác Nhâm.

Vợ chồng bác Nhâm kể với tôi, sau khi cai nghiện xong, họ đã tìm cho Chung một người con gái và đám cưới đã được tổ chức trong chính ngôi nhà của bác Nhâm. Cha anh Chung đã gọi điện về cho bác Nhâm, nhờ tìm giúp một mảnh đất và dựng nhà cho con mình. Tất cả đều một tay bác Nhâm lo liệu, người cha chỉ đứng phía sau, ủng hộ về kinh tế nhưng không bao giờ ra mặt. Cách ngôi nhà anh Chung đã từng ở trong những tháng ngày đen tối chỉ một cái ao, một tổ ấm nhỏ đã được dựng lên, ấm áp và yêu thương. Anh chị có với nhau thằng cu Việt như một giấc mơ có thật.

Anh Chung sau khi lập gia đình, cũng đã đi làm thợ điện ở Nhà máy khai thác Phủ Lý một thời gian nhưng lại sợ đi vào vết xe cũ. Trở về quê, làm ruộng rồi làm thêm nghề thợ điện ở làng cũng nhì nhằng đủ sống nhưng bình an và thanh thản. xã Bồ Đề nằm cạnh Ngọc Lũ, một tụ điểm ma túy lớn nhất huyện Bình Lục, nên nếu không quyết tâm thì rất dễ bị đánh gục bởi những cám dỗ, rủ rê. Lúc đó, chính bác Nhâm lại  chính là người khuyên ngăn để anh không đi vào con đường cũ.

Vợ chồng bác Trần Hữu Nhâm giờ đã già, các con cũng đã trưởng thành, anh Chung cũng đã có tổ ấm của riêng mình, trở thành người có ích cho xã hội. Tình cảm giữa anh Chu Văn Chung và gia đình bác Trần Hữu Nhâm trở nên thân thiết như người một nhà. Mới đây, bố anh Chung từ Điện Biên cũng đã về lại Bồ Đề nhận con, nhận cháu. Cả hai gia đình cũng đã đi lại với nhau. Anh Chung cũng bớt đi mặc cảm của một người đã từng lầm lỗi, song vẫn quyết định ở lại ngôi nhà nhỏ bé của mình. Ngôi nhà đó sát ngay nhà của bác Nhâm. Ngôi nhà đã chứa đựng bao nhiêu kỷ niệm đau buồn của cuộc đời anh. Để sau này, trên cuộc đường đời, những lúc gặp khó khăn anh lại được nhìn vào ngôi nhà ấy để có niềm tin trong cuộc sống.

Cuộc đời chảy trôi, đôi khi cuộc sống quá hoàn hảo và dễ dàng khiến con người ta sa ngã. Chỉ đến khi nhìn lại, mình đã mất tất cả, mỗi người mới ngỡ ngàng nhận ra, mình đã lãng phí quá nhiều thứ. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Chung lúc nào cũng tỏ ra bứt rứt, hối hận về những lỗi lầm của mình. Anh có điều kiện, có cuộc sống tốt, lại có học hành tử tế nhưng anh đã không biết trân trọng. Anh bảo nếu không có bàn tay của gia đình bác Nhâm đưa ra cho anh nắm lấy có lẽ cuộc đời này đã đặt dấu chấm hết từ lâu.