Cái "a lô"

ANTD.VN - Chiếc điện thoại đầu tiên có mặt ở Việt Nam hẳn là do người Pháp mang vào. Ban đầu chỉ họ dùng với nhau. Về sau những công chức người Việt và một vài nhà tư sản cũng dùng theo. Me Tư Hồng là một trong số rất ít đàn bà nước Nam mắc điện thoại ở nhà riêng thời ấy bởi có công việc buôn bán làm ăn với người Pháp.

Kể từ tổng đài 1.500 số thời mới tiếp quản Hà Nội với khoảng 600 thuê bao hàng tháng, đến nay số lượng thuê bao cả cố định lẫn di động đã tăng gấp vài nghìn lần. Chẳng bao giờ có con số thống kê cụ thể bởi số thuê bao “ảo” nhiều vô kể. Và công dụng của điện thoại với công việc đã có nhiều biến tướng. Người ta gọi cho nhau vì công việc thì ít mà “buôn chuyện” thì nhiều.

Ngạc nhiên nhất là nhiều khi có những cú điện thoại vì công việc hẳn hoi lại không được người nghe bắt máy. Ví như nhà báo gọi cho lãnh đạo địa phương chẳng hạn. Hoặc ví như người dân gọi đến bảo hiểm cũng thế. Cái chữ “cửa quyền” từ lâu đã thoát khỏi những địa chỉ hành chính cụ thể. Nó được thay bằng giấy tờ, công văn suốt mấy chục năm. Và nay thì được thay bằng điện thoại.

“Cửa quyền” trên điện thoại mới là cửa quyền một cách triệt để nhất. Đại khái gọi điện cho ông A muốn gặp trực tiếp để trao đổi cụ thể về một công việc nào đó nhưng ông ta lịch sự nhất là không nhấc máy. Kém hơn có thể là tắt phụt luôn. Phải chịu thôi. Bởi nếu vô tình gặp lại sẽ nhận được lời giải thích rất hợp lý: “Mạng điện thoại hôm đó làm sao ấy…?”. Có hai vật tế thần thiêng liêng nhất lúc nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là “cậu đánh máy” và mạng điện thoại.

Thật ngạc nhiên là chữ “a lô” hầu như ai cũng dùng đến trong ngày nhưng chưa từng có mặt trong bất kỳ cuốn Từ điển tiếng Việt nào. Tất nhiên chữ ấy cũng do người Pháp mang vào cùng với chiếc điện thoại quay ma-ni-ven xin số tổng đài từ đầu thế kỷ trước. Người Việt từ đó cũng thay chữ “loa, loa, loa…” bằng chữ “a lô, a lô…” khi cầm chiếc loa sắt đi rao những thông báo phố phường. Chữ “a lô” được hiểu là “nghe đây, nghe đây…”.

“A lô” trong điện thoại cũng được hiểu gần tương tự nhưng còn bao hàm nghĩa như một câu hỏi “Ai đấy?”. Lịch sự thì khi trả lời có thể thêm vào chữ “tôi nghe” đằng sau “a lô”. Chữ “a lô” tưởng chừng vô nghĩa nhưng qua đó người nghe nhận được ít nhất hơn một thông tin. Người quan trọng “a lô” thường rề rà trịch thượng. Người vui vẻ “a lô” liên hồi ríu rít. Người buồn bã “a lô” mệt mỏi chán chường.

Nhà văn Đỗ Phấn

Người sợ hãi “a lô” cũng lắp bắp. Người hung hăng “a lô” nạt nộ như quát vào mặt người nghe. Người điếc hầu như dùng nhiều “a lô” nhất và rất hay tự ái. Người ít lời nghe điện thỉnh thoảng phải “a lô” cho người kia biết rằng mình đang chăm chú lắng nghe rất lịch sự. Người thô lỗ nhiều khi tiết kiệm cả một tiếng “a lô”. Sợ nhất vài cô nàng đang yêu chỉ vừa kịp nghe thấy tiếng “a lô” đã sụt sùi kể lể. Kể chán chê hết nước mắt đợi mãi mới biết là gọi nhầm máy…

Công nghệ tốt lên vài năm nay đỡ đi được khá nhiều “a lô” trên điện thoại. Danh bạ cho ta thấy rõ tên người gọi nên có thể thay “a lô” bằng một câu chào thân thiện. Thế nhưng cũng có mặt trái của nó. Số lạ thường khiến người nghe cân nhắc rất nhiều khi bắt máy. Bởi nhiều khi chỉ cần một dịu dàng “a lô” của mình thôi là đầu dây bên kia núi lửa ngôn từ phun trào kể lể những chuyện rất giời ơi đất hỡi. Đại loại sáng ngày ra đã hỏi: “Tình hình sinh hoạt ấy iếc của anh có vấn đề gì không, bên em có…”. Ngán ngẩm phải trả lời cho qua chuyện: “Anh tuổi bảy mươi rồi nên bên em có gì cũng kệ!”.

Chẳng biết người ta gọi chiếc điện thoại là “cái a lô” từ bao giờ. Khoe nhau trên mạng vừa mua được “a lô” mới. Thông báo vừa mất “a lô” nên ai muốn liên lạc thì qua Facebook. Than phiền “a lô” cục gạch không gửi được ảnh “selfie” thì ai cũng hiểu nguyên nhân sâu xa của nó là trình IT dưới mức thông thường.

Thế nhưng dù máy móc hiện đại và đổi tên gọi rất nhã nhặn là “cái a lô” thì văn hóa giao dịch điện thoại hình như vẫn chẳng có một bước tiến nào cả. Tình trạng độc thoại trên “a lô” vẫn phát triển tràn lan chẳng cần biết người nghe có muốn hay không. Tệ hơn, người ta có thể gọi điện vào bất cứ giờ nào mình thích.

Lũ trẻ tuổi teen trên mạng bây giờ lại bắt đầu không gọi điện thoại là “cái a lô” nữa rồi. Nó đã quá cũ. “Cái a lô” của chúng bây giờ chính là chỗ phát ra chữ ấy. Kể cũng khoa học nhân văn. “A lô” phải là chủ thể sáng tạo. Chúng thường lên Facebook đe nẹt nhau: “Tao thì vả cho vỡ “a lô” bây giờ!”. Dọa đùa thế thôi chứ cũng chưa bao giờ thấy đứa nào vỡ “a lô”.