Cách kiểm soát tiểu đường thai kỳ

ANTĐ - Tỷ lệ phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ đang gia tăng tại Hoa Kỳ và Hiệp hội Tiểu đường Mỹ ước tính, tiểu đường thai kỳ chiếm 18% ở những phụ nữ mang thai và có thể gây ra các biến chứng ở cả mẹ và con.

Nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng bệnh lý về rối loạn chuyển hóa tấn công vào thời kỳ mang thai khiến lượng đường trong máu tăng lên do không sản xuất insulin. Tiểu đường thai kỳ có thể do di truyền và đặc biệt là những phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ cao. Nếu thai nhi có trọng lượng hơn 4kg, ngay cả khi người mẹ chưa bao giờ được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, có thể họ sẽ mắc trong lần mang thai tiếp theo. Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, nguy cơ mắc bệnh cao hơn 2-4 lần so với những phụ nữ có trọng lượng bình thường, theo một báo cáo trong tạp chí Diabetes Care. Nếu hút thuốc, nguy cơ sẽ tăng gấp đôi. 

Những biến chứng và cách phòng tránh

Trong khi mang thai, các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ cũng có thể bị cao huyết áp, tiền sản giật và sản giật. Những trẻ sinh ra cũng có lượng đường huyết cao, nguy cơ bị thừa cân, có thể tăng khả năng sinh mổ và có thể gây ra các biến chứng. Sau khi sinh, lượng đường trong máu của trẻ giảm, trẻ sơ sinh có nguy cơ bị động kinh, vàng da, thiếu canxi và magiê.

Tiểu đường thai kỳ biến mất sau khi sinh, nhưng ảnh hưởng của nó trên cả mẹ và em bé có thể kéo dài suốt đời. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị huyết áp cao, bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim. Trẻ sinh ra cũng có thể phải đối mặt với huyết áp cao, bệnh tim và bệnh tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì. Nếu bạn có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, những điều bạn có thể làm để ngăn chặn và kiểm soát nó ngay bây giờ:

Giảm chỉ số BMI. Trước khi mang thai, hãy giữ cơ thể có trọng lượng khỏe mạnh. Nếu trọng lượng thai nhi khi mang thai là hơn 4kg, bạn cần đến gặp bác sĩ để tư vấn kiểm soát cân nặng.  

Theo dõi lượng đường huyết. Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, cần phải theo dõi lượng đường trong máu hàng ngày để điều chỉnh chế độ ăn uống, và giữ đường huyết ổn định.

Chế độ ăn uống hợp lý. Trước, trong và sau khi mang thai, hạn chế thực phẩm chế biến, muối, đường và tăng cường ăn trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ ăn uống và thiết lập mục tiêu tăng cân lành mạnh khi mang thai.

Tập thể dục. 30 phút tập thể dục trong 5-6 ngày một tuần trước khi mang thai là rất cần thiết, nhưng nếu bị bệnh tiểu đường thai kỳ, bạn nên tập thể dục tăng lên 7 ngày một tuần. Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ về những bài tập thể dục phù hợp với bạn và cả thai nhi.