Cách đi mới mẻ và giá trị

(ANTĐ) - Đã bước vào năm thứ 6 kể từ ngày 26-10-2004, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật. Từ dấu mốc sự kiện đó đến nay, cùng với quá trình xã hội hóa lĩnh vực xuất bản được xem là những động lực mạnh mẽ giúp nền xuất bản Việt Nam vững bước vào quá trình chuyên nghiệp hóa.

Cách đi mới mẻ và giá trị

(ANTĐ) - Đã bước vào năm thứ 6 kể từ ngày 26-10-2004, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật. Từ dấu mốc sự kiện đó đến nay, cùng với quá trình xã hội hóa lĩnh vực xuất bản được xem là những động lực mạnh mẽ giúp nền xuất bản Việt Nam vững bước vào quá trình chuyên nghiệp hóa.

Từ đó, Việt Nam phải thực thi nghiêm túc việc bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên. Theo thời gian, những khó khăn mà thói quen dịch và xuất bản tùy tiện các tác phẩm của nước ngoài đã tồn tại khá dai dẳng ở nước ta nhiều năm qua đã được loại bỏ. Khi Công ước Berne có hiệu lực, các nhà xuất bản, nhà sách... sẽ phải thanh toán tiền bản quyền cho các tác phẩm nước ngoài họ muốn dịch và xuất bản, nếu không muốn bị kiện ra tòa vì hành vi ăn cắp bản quyền.

Cứ tưởng rằng vì thế mà giá sách theo đó cũng bị đội lên, nhiều nhà xuất bản, nhà sách sẽ phải giảm bớt số sách dịch phát hành sau khi cân nhắc hiệu quả kinh tế. Hệ quả là thị trường sách dịch có thể sẽ không còn phong phú nữa. Bù lại, chất lượng các tác phẩm dịch sẽ được nâng lên. Thế nhưng, câu chuyện lại đi sang một chiều hướng khác tích cực hơn nữa. Không những thị trường sách dịch còn phong phú hơn mà chất lượng các tác phẩm dịch cũng không vì thế mà giảm đi. Con số này cho thấy vai trò quan trọng của xã hội hóa trong lĩnh vực xuất bản hiện nay.

Các doanh nghiệp làm sách đã thật sự nhanh nhẹn nắm bắt thị trường khi kịp thời đưa ra những đầu sách có nội dung đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Vào thời điểm thị trường chứng khoán lên cơn sốt, sách dạy kinh doanh chứng khoán liên tục xuất hiện. Khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều loại sách về hội nhập kinh tế lập tức xuất hiện, giúp cho bạn đọc những cái nhìn từ toàn cảnh đến chi tiết, cả những mặt tích cực và tiêu cực của hội nhập. Mảng đề tài văn học cũng trở nên phong phú hơn bao giờ hết, các giải thưởng văn học lớn trên thế giới vừa trao là ngay sau đó trong nước đã có tác phẩm dịch của người đoạt giải...

Xu hướng này hình thành mạnh trong năm 2008; đến năm 2009 thì thực sự trở nên rõ rệt của các dòng sách dịch cho mọi giới bạn đọc từ sách văn học, thiếu nhi, tâm lý, lãnh đạo, tiếp thị, bán hàng, bí quyết thành công, chứng khoán, thiền tập, phong thủy, thể thao, bà mẹ em bé... Nhận định về xu hướng trên, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Phương Đông, Nhà sách Phương Đông cho biết: "Các nhà sách hiện nay chính nhất vẫn chú trọng đến mảng sách Văn học, trong đó gồm Văn học dịch và Văn học trong nước.

Việc xã hội hóa ngành xuất bản, trong đó phải kể đến việc liên kết xuất bản đã được các nhà xuất bản, nhà sách, công ty tư nhân... khai thác một cách triệt để và hiệu quả. Mỗi nhà sách sẽ tự tìm cho mình một hướng đi, một thể loại sách làm trọng điểm cho sự phát triển. Đơn cử như Nhã Nam, họ thiên về sách Văn học; Alphabooks: sách Kinh tế; Đông A: sách Thiếu nhi; Phương Đông: sách Văn học; Minh Đức: sách Luật Kinh tế; Công ty Trí Việt (miền Bắc): sách Thể thao; Bách Việt: sách Văn học... Tính chuyên biệt này dựa trên thế mạnh của từng nhà sách, công ty để từ đấy định hướng sản phẩm. Đa phần họ dựa trên mối quan hệ sẵn có, hay nguồn nhân lực họ có như đội ngũ mua bản quyền, đội ngũ biên tập viên rất tốt, cộng tác viên mạnh mẽ. Sự "phân chia" này tạo điều kiện để kinh doanh, tránh sự "lấn sân" sang nhau.

Một thực tế riêng mảng sách Văn học thì nhiều bên cùng làm, nhưng nổi trội về mỗi mảng riêng biệt chỉ có một vài nhà sách gây dựng được uy tín và thương hiệu của mình". Bà Thanh Hà khẳng định: "Sự cạnh tranh duy nhất giữa các nhà sách, công ty hiện nay chính là nội dung mỗi đầu sách được xuất bản trên thị trường. Không thể tránh được mặt trái việc các nhà làm sách khi thực hiện một cuốn sách luôn quan tâm nhất việc làm sao bán được nhiều sách, bán nhanh để thu hồi vốn và lợi nhuận nhanh chóng. Hệ quả kéo theo chính là tình trạng cứ thấy loại sách nào có vẻ bán chạy là các nhà làm sách lại hùa nhau cùng làm khiến thị trường tràn ngập loại sách đó".

Có thể nói, năm 2008, các nhà xuất bản, nhà sách, các công ty liên kết đã phát triển tối đa chiều rộng việc khai thác xuất bản sách. Thực tế đã dẫn đến sự bão hòa do dày đặc các loại sách trên thị trường. Theo thời gian, hiệu ứng "độ hot" giảm dần với các loại sách cùng chủng loại. Quá trình phát triển theo chiều rộng đã đi vào thoái trào. Tuy nhiên, con đường mới đã được thiết lập không lâu ngay sau đó, năm 2009, hướng đi theo chiều sâu của các cuốn sách được chú trọng.

Đầu tiên được thể hiện đó là năm bắt đầu cho tính chuyên biệt cho các nhà xuất bản, nhà sách, công ty. Họ tập trung vào một vài thể loại sách được coi là thế mạnh của mình, và phát triển theo chiều sâu vào nó. Từ đó dẫn đến những cuốn sách "thị trường", chạy theo nhu cầu "tức thì" không còn "đất" sống. Thay vào đó là những cuốn sách đặc sắc, có hàm lượng giá trị thông tin cao, chuyên biệt của những tác giả mới chứa đựng những ý tưởng đột phá, độc đáo và đầy sáng tạo. Dịch giả Oh Eun Chul nhận định: Trước khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne năm 2004, nhiều người sợ rằng thị trường sẽ không còn sách dịch nữa.

Nhưng càng bảo vệ sở hữu trí tuệ bao nhiêu thì sách có giá trị càng vào Việt Nam nhiều bấy nhiêu. Việc các tác giả sách đại chúng tên tuổi ở các quốc gia trên thế giới đã được giới thiệu tại Việt Nam đã chứng minh điều đó. Không có con đường nào dài bất tận, không có thị trường nào phồn thịnh mãi mãi, khi con người sáng tạo ra một thị trường thì thị trường ấy sẽ bão hòa theo thời gian. Con người lại đi tìm một thị trường mới. Các nhà xuất bản, nhà sách Việt Nam sẽ đi theo hướng sâu hóa và Việt hóa, và ở thời điểm hiện tại, tính chuyên biệt là một cách đi mới mẻ và giá trị.  

Hồng Hạnh