Ca sỹ Tùng Dương và “Những chuyến đi…”

ANTĐ - “Những chuyến đi…” là liveshow đặc biệt quan trọng với Tùng Dương tại thời điểm này. Đây là liveshow đầu tiên của anh sau 8 năm ca hát. Với mỗi người, mỗi chuyến đi đều mang lại những hành trang sống, hay ít nhiều là những kỷ niệm, những gương mặt lạ quen... Với Tùng Dương, cuộc sống và sự nghiệp mở ra cho anh “Những chuyến đi...” dài mà ở đó cuộc đời - âm nhạc là những cuộc phiêu lưu không có hồi kết…

- Góc nhìn của anh về mối quan hệ giữa nghệ sỹ với công chúng qua chiếc cầu nối truyền thông?

- Trong cuộc sống, mọi mối quan hệ đều có sự tương tác - hỗ trợ qua lại lẫn nhau; cũng như vậy, nghệ thuật - âm nhạc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong mỗi sản phẩm âm nhạc của tôi, nếu không có truyền thông thì sản phẩm sẽ mãi ngủ yên, đó là mặt tích cực, vế ngược lại hiện có một số cá nhân lợi dụng sức mạnh của truyền thông để tạo scandal, tất cả những điều đó khiến hình ảnh của chính bản thân họ trở nên méo mó.  

- Anh đã từng chịu sức ép của truyền thông chưa?

- Ngành nghề nào cũng luôn tồn tại hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong nghệ thuật, người ta thường nhìn vào mặt tiêu cực nhiều hơn, nó ẩn chứa đằng sau mặt tích cực mà người ta vẫn từng thấy. Với riêng cá nhân tôi chưa gặp phải quá nhiều những mặt tiêu cực, ở đó chỉ là một vài tai nạn nhỏ trong nghề - nó đơn thuần là những lời đồn đại về bản thân khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Người nghệ sỹ thường có tâm hồn nhạy cảm, suy nghĩ nhiều, nên những phản hồi của khán giả phải mang tinh thần giúp đỡ người nghệ sỹ tìm ra cái sai, cái chưa hay để khắc phục chứ không phải theo cách chê bai, dè bỉu, không tôn trọng.

- Trước lời đồn đại không mang tính xác thực, anh phản ứng thế nào?

- Tôi im lặng, có những thời điểm cần phải im lặng! Ví dụ như bài báo nhận định mới đây có nhan đề “Cây Tùng có thế đứng cong cong” xúc phạm ca sỹ nặng nề quá. Nhưng tôi im lặng bởi với tôi bài báo đó không khiến tôi quá phải bận tâm. Cho đến ngày hôm nay công chúng vẫn nhìn nhận và đánh giá tôi là một người nghệ sỹ luôn hết mình với nghệ thuật. Nếu tác giả của bài viết là một người am tường, hiểu và có trình độ chuyên môn âm nhạc nhất định thì tôi sẽ lên tiếng; còn người mà không biết một chút nào về âm nhạc mà chỉ khoác lên mình một sự hiểu biết ngụy tạo thì tôi không bao giờ quan tâm.

- Suy nghĩ và quan điểm về âm nhạc của anh đã thay đổi thế nào kể từ khi bước ra từ sân chơi Sao Mai điểm hẹn?  

- Ai cũng có thể thấy rõ sự thay đổi mọi thứ từ ngoại hình đến âm nhạc của tôi. Nó không chỉ đứng lại ở một điểm mà mở rộng ra rất nhiều. Sắp tới đây, vào ngày 3 và 4-12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi sẽ thực hiện liveshow đầu tiên trong sự nghiệp của mình mang tên “Những chuyến đi…” nhằm đánh dấu một chặng đường ca hát đã qua.

- Dường như anh còn muốn nói thêm về “Những chuyến đi…”?

- Tham gia liveshow của tôi là một ê-kíp hùng hậu, nổi tiếng vì sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Đó là sự cộng tác với đạo diễn Việt Tú và một ban nhạc tôi cảm giác họ rất hiểu tôi - đó là nhạc sỹ Thanh Phương và những người bạn. Liveshow là sự xâu chuỗi rất nhiều những ca khúc tôi đã hát trong những năm qua bên cạnh những ca khúc mới. “Những chuyến đi…” còn mang tính trình diễn, khán giả đến không chỉ để nghe mà còn để xem. Tôi muốn hướng đến thứ âm nhạc World Music, nó rộng và trên cái nền đó có thể thể hiện tất cả, trên sự pha trộn nhưng lại mang tính bản sắc rất rõ nét.

 - NSƯT, nhạc sỹ Huyền Thanh đã nhận xét Tùng Dương hát những ca khúc sở trường đã đành; còn khi hát những bài nằm ngoài sở thích vẫn thấy Dương hát rút ruột, tình cảm lắm. Làm thế nào để anh có thể đắm mình và truyền tải được tình cảm với những thứ không hợp với mình?

- Đó chính là thái độ làm việc tận tâm, chăm chỉ với nghề nghiệp của tôi. Xuất hiện trước công chúng ở bất kỳ chương trình nào, tôi luôn phải đảm bảo mình sẽ thể hiện hay ca khúc ấy, nâng lên một bậc cho chính bản thân mình lẫn tác giả - làm cho đứa con tinh thần của họ sao cho hay nhất có thể.

- Đó là sự đầu tư kỹ lưỡng hay bản năng… hát trong anh?

- Nó hội tụ cả hai yếu tố đó trong con người tôi. Nếu chỉ hát bằng bản năng sẽ không thể giúp người nghệ sỹ đi được xa, còn lại ở đó chính là sự rèn luyện. Đương nhiên, tôi đánh giá rất cao bản năng, sự thành công chiếm 50% năng khiếu, 45% là sự khổ luyện, còn lại 5% là may mắn.

- Có sự đồng cảm nào giữa anh với những câu chuyện được kể trong từng ca khúc?

-  Hát luôn là một nét đẹp của văn hóa, nó thể hiện đúng tính chất của con người. Nếu bạn là một người mạnh mẽ, dễ xúc động, nhẹ nhàng hay phức tạp thì âm nhạc của bạn sẽ thể hiện ngay ra điều đó. Ngay trong những “Những ô màu khối lập phương; Li ti”- tên gọi album của tôi cũng bao gồm nhiều ý nghĩa, ẩn chứa nhiều thông điệp phía sau nó, chứ không chỉ đơn thuần là những bài hát chỉ để nghe - thuộc. Album của tôi thể hiện cảm xúc cuộc sống của tôi, để chia sẻ với nhân vật trong bài hát do tác giả viết nên. Hát cũng như người diễn viên, phải hóa thân vào nhân vật trong ca khúc; và chính sự hóa thân giúp tôi thành công ở rất nhiều bài hát. Mỗi ca sỹ có một cách hóa thân khác nhau, với tôi đôi khi phải “tự kỷ ám thị” trong bài hát để mình làm tốt tác phẩm. Đôi khi mình lại người dẫn chuyện để kể câu chuyện của nhân vật; đôi khi lại phải là chính nhân vật để nói lên nội dung của bài hát…  

- Phải chăng chính sự đào sâu vào ngóc ngách ca khúc khiến âm nhạc của anh chỉ dành cho số ít chứ không phải đại chúng?

- Tôi nghĩ âm nhạc cũng như muôn loài hoa, mà mỗi người lại thích một loại hoa khác nhau. Bạn thích hoa hồng, còn tôi lại thích hoa tuy-líp, người khác lại thích những loài hoa dân gian gần gũi như hoa thược dược, đồng tiền… với những vẻ đài các, sắc màu riêng. Trong âm nhạc cũng vậy, tôi không nghĩ mình sẽ giới hạn đối tượng khán giả trong một phạm vi nào, mà âm nhạc sẽ tự tìm đến với những tiếng nói đồng cảm, sẽ dẫn đường đến từng người nghe và sẽ tự len lỏi đến tâm khảm của từng người.

- Sự sáng tạo trong âm nhạc của anh thế nào?

- Nó chính là nguồn gốc để nghệ thuật phát triển và mở rộng. Điều kiện tiên quyết để nghệ thuật tồn tại được là do sự sáng tạo, nếu một màu hoặc giậm chân tại chỗ, hài lòng hay tự mãn với bản thân thì chắc chắn trong cuộc sống sẽ không có nhiều áp lực, sẽ không có sự đột phá trong nghệ thuật của người nghệ sỹ. Nghệ thuật là gì? Phải có đột phá, phải có cái mới.

- Anh có phải đối diện với sức ì trong âm nhạc?

- Chắc chắn rồi, càng lớn tuổi thì mọi thứ càng trì trệ hơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã đạt đến đỉnh cao để mà theo quy luật đến đỉnh rồi sẽ đi xuống. Âm nhạc và nghệ thuật dường như nó không đáy, càng lên cao càng sâu hun hút, và nó buộc người nghệ sỹ phải chinh phục nó. Tôi cảm nhận rõ khi tới được một đỉnh nào đó thì sẽ có những cái đỉnh khác cao hơn. Phương châm của tôi là học để xua tan cái ngu dốt trong chính bản thân mình.

- Khát vọng trong anh dường như rất lớn?

- Khát vọng chính là bản chất của sự châm ngòi, nhưng quan trọng hơn hết là phải ý thức được rằng nếu không chịu khó học tập thì chính bản thân sẽ bị cũ kỹ. Và một ngày nào đó chính cái đỉnh của bạn sẽ phủ nhận bạn, và bạn chỉ có thể dừng ở đấy thôi. Chính vì vậy mà tôi chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã làm được trong âm nhạc. Có thể là do cái tôi quá lớn, hay do bản thân tôi quá cầu toàn (?) Nhưng tôi thích “khát vọng”!

- Vậy khát vọng lớn nhất trong anh bây giờ là gì?

- Tôi muốn trở thành một “nghệ sỹ đương đại” - chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để mình phải cố gắng cả đời. Đương đại là gì, đó là cao hơn một bậc so với hiện đại, buộc mình phải đi trước rất nhiều, là người dẫn đường, tiên phong, khai phá. Tuy nhiên vẫn phải có nền tảng, bản ngã, là người Á Đông, mình chỉ mở rộng, kết hợp, quy nạp chứ mình không biến dạng theo một văn hóa khác không phải của mình. Trong những album của tôi, hay liveshow tới đây sẽ là dấu ấn cá nhân của người Việt rất đậm nét.

- Những người đi đầu thường phải đối đầu với áp lực?

- Chắc chắn rồi! Nhiều đồng nghiệp đã nói với tôi rằng nếu tôi theo con đường thế này chắc chắn sẽ là người cô độc tại Việt Nam. Tôi cũng không hoàn toàn nghĩ vậy bởi sự tự chủ của bản thân, sẵn sàng chinh phục nhưng đỉnh cao do mình đặt ra.

- Tích cách trong âm nhạc và cuộc sống của anh có giống nhau không?   

- Tôi không nghĩ mình phức tạp, cuộc sống là một sự chuyển động đa chiều, đa sắc, nó không đơn điệu, cũng chính vì thế mà tôi rất yêu cuộc sống, mọi thứ xung quanh, phải trải nghiệm nó; chính vì thế mà đời sống âm nhạc của tôi rất phong phú từ việc tiếp cận, nhìn nhận và luôn nằm trên hành trình của tôi. Ẩn đằng sau âm nhạc của tôi là những thông điệp, như là tôi đang vẽ nên một thế giới riêng của mình, mà trong thế giới thực tại mình không thể hiện và nắm bắt được.

- Đó là hai phạm trù “âm nhạc - thực tại” trong cùng một “thế giới”?

- Đúng vậy! Nó bổ trợ cho nhau và không quá tách bạch. Đôi khi lắng nghe trong một không gian âm nhạc nào đó như kiểu mình chui tọt vào cái giấc mơ ấy. Tôi là một người nghệ sỹ không quá tỉnh táo, bởi nếu tỉnh táo quá mọi thứ sẽ quá khô khan, phải giữ cho bản thân một thái độ làm việc “sạch”, trong trẻo, thuần khiết, đôi khi phải hư thực - hư ảo một chút.

- Cảm ơn và chúc anh tiếp tục gặt hái thành công!