“Buộc bụng” chặt hơn

(ANTĐ) - Cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam đang “thắt lưng buộc bụng”. Giàu như Mỹ, hoang như Mỹ, sang trọng như Pháp, tiết kiệm như Đức, kinh tế rủng rỉnh như Hà Lan, Thụy Điển hay Nhật Bản, Hàn Quốc... đâu đâu người ta cũng thay đổi thói quen, nếp sống sinh hoạt từ ăn uống, tiêu pha, mua sắm cho tới đi lại, vui chơi, giải trí. Thì ra lạm phát cũng có cái “hay” của nó khiến mọi người thấm thía hơn, tính toán hơn và “buộc bụng” chặt hơn.

“Buộc bụng” chặt hơn

(ANTĐ) - Cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam đang “thắt lưng buộc bụng”. Giàu như Mỹ, hoang như Mỹ, sang trọng như Pháp, tiết kiệm như Đức, kinh tế rủng rỉnh như Hà Lan, Thụy Điển hay Nhật Bản, Hàn Quốc... đâu đâu người ta cũng thay đổi thói quen, nếp sống sinh hoạt từ ăn uống, tiêu pha, mua sắm cho tới đi lại, vui chơi, giải trí. Thì ra lạm phát cũng có cái “hay” của nó khiến mọi người thấm thía hơn, tính toán hơn và “buộc bụng” chặt hơn.

Đại diện các siêu thị lớn ở Hà Nội, TP.HCM có một nhận định khái quát rằng, lạm phát đang làm thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng. Họ phải cắt giảm những nhu cầu không thiết yếu. Điều đó cũng buộc các nhà sản xuất phải có những lựa chọn và thay đổi cho phù hợp.

Các doanh nghiệp trong nước đang mở chiến dịch hô hào người tiêu dùng sử dụng hàng Việt Nam. Đương nhiên không thể “bắt” người tiêu dùng chấp nhận hàng nội vô điều kiện. Các nhà sản xuất phải chớp thời cơ khi người dân chuyển dịch rõ rệt giữa hàng tiêu dùng, thiết yếu và không thiết yếu.

Mặt hàng không thể thiếu cho gia đình như thực phẩm được lựa chọn nhiều hơn, với mức tăng trưởng từ 45-54%. Các loại hàng hóa xa xỉ, may mặc, mỹ phẩm, giày dép có xu hướng co hẹp lại trông thấy. Ngay cả khi đã “bấm bụng” cắt giảm chi tiêu, thì người mua vẫn cứ chần chừ, đắn đo trước khi quyết định mua.

Giá cả chính là yếu tố quyết định sự lựa chọn. Sức mua giảm từ các chợ lớn lan vào trong hệ thống siêu thị. ở ngoài chợ giá thịt lợn có xu hướng giảm do nguồn cung tăng; giá hải sản dù chịu tác động của giá xăng dầu tăng nhưng người kinh doanh vẫn phải “buộc bụng” chịu thiệt chút ít thay vì tăng giá để giữ chân khách.

Dạo một vòng quanh chuỗi siêu thị ở Hà Nội, có thể nhận thấy không khí tấp nập kẻ mua, người bán đã vãn hẳn. Những khách “sộp” bỏ ra tiền triệu mua sắm cả một xe hàng cũng hiếm thấy. Để kích cầu tiêu dùng, nhiều siêu thị tung ra các chiêu khuyến mại lớn cùng các chương trình giảm giá, kèm theo các món quà, giải thưởng có giá trị.

Cái khó của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và chi phí đầu vào. Nhiều công ty, tập đoàn kinh doanh phải huy động thêm vốn, có khi tới hơn 40% so với năm trước mới đủ gom hàng cung cấp cho các nhà bán lẻ. Điều khó khăn nhất của giới doanh nghiệp là làm thế nào để bảo toàn được đồng vốn.

Một tổng giám đốc tập đoàn kinh doanh lớn khẳng định, bên cạnh việc kiểm soát chi phí sản xuất, giá cả sản phẩm, một yếu tố cực kỳ quan trọng trong lúc này là phải kiểm soát được đồng vốn của mình lưu thông trên thị trường.

Cũng như ở nhiều nước tiên tiến, người dân từng bước bỏ thói quen đi xe ôtô riêng, chuyển sang phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, thậm chí quay trở lại với chiếc xe đạp hoặc xe đạp điện, người Hà Nội, TP.HCM cũng phải “bám” vào phương tiện công cộng độc nhất là xe buýt.

Đây là cơ hội hiếm có để xe buýt “lên ngôi”. Đây cũng là dịp để “ông” xe buýt nâng cao “văn hóa” xe buýt, tận tụy và nghiêm túc phục vụ người dân. Trách nhiệm đối với khách hàng và dịch vụ mà mình cung cấp, hơn lúc nào hết phải được đặt lên hàng đầu.

Kể từ hôm tăng giá xăng đến nay, lượng người đi xe buýt đông đúc, nườm nượp trông thấy. Tuy nhiên vẫn chưa thấy những động thái rõ rệt của ngành vận tải công cộng này góp phần cùng Nhà nước, cùng người dân “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm... chặt hơn.

Đan Thanh