“Bức tranh” an sinh xã hội

ANTĐ - Công luận thường chỉ quan tâm đến những “bức tranh” kinh tế, tiền tệ, doanh nghiệp, thị trường, giá cả mà ít để ý tới “bức tranh” an sinh xã hội. Trong khi đó, chính an sinh xã hội là “bức tranh” phản ánh trung thực và sinh động nhất sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Có rất nhiều mảnh ghép lớn tạo nên “bức tranh” an sinh xã hội như giảm đói nghèo, phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp và việc làm, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sinh hoạt…

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2003-2011, tổng chi cho an sinh xã hội liên tục tăng, bình quân 1 năm chi tới 95.000 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP trong đó ngân sách Nhà nước chiếm 51% tổng chi. Thế nhưng, những bất cập như giảm nghèo chưa bền vững, phân hóa giàu nghèo giữa các vùng có xu hướng giãn rộng ra. Công tác đào tạo việc làm chưa bền vững, tỷ lệ thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, từ 1,05% năm 2000 tăng tới 2,27% năm 2011, đặc biệt nhóm thanh niên nông thôn lên tới 6,8% chiếm 58% tổng số lao động thất nghiệp. Diện được hưởng trợ cấp xã hội còn hạn hẹp, mức chuẩn trợ cấp quá thấp. Hiện tại vẫn còn hơn 900.000 hộ nghèo ở nhà tạm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm 20% lực lượng lao động trong năm 2011.

Điều đáng quan tâm là, chính sách giảm nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Ở các huyện nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, khi có biến động về giá cả nhóm hộ nghèo và cận nghèo thường phải gánh chịu nhiều tác động xấu do suy giảm về thu nhập thực tế, vì lương và thu nhập tăng thêm không đuổi kịp tốc độ tăng trong chi tiêu những mặt hàng thiết yếu. Đại diện viện này đề xuất, cần phải có các biện pháp trợ giúp xã hội kịp thời và phù hợp nhằm giúp đỡ người lao động, người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Một đại diện của Tổ chức Hợp tác phát triển (GIZ) nhấn mạnh, dù đã đạt mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức cần vượt qua nhằm đem lợi ích tăng trưởng kinh tế đến với mọi người dân và không ai bị thiệt thòi. Đặc biệt phải tập trung quan tâm tới nhóm đối tượng yếu thế và dễ bị tổn thương, hiện chiếm tới 1/3 dân số và ít có cơ hội tham gia vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Theo thống kê, mặc dù đã triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch, cả nước mới có 37% hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, thậm chí ở Hà Nội tỷ lệ chỉ đạt 40%. Một số nơi, sau khi tiêu hết vốn trung ương hỗ trợ, không huy động được thêm, nhiều công trình nước sạch bỏ dở máy móc, thiết bị xuống cấp. Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch lên tới 87%. Sau khi rà soát cái gọi là “nước sạch” chỉ là nước… lọt qua cát sỏi, thậm chí cả nước sông đánh phèn. Nếu chiếu theo đúng quy chuẩn “nước sạch thật” thì chỉ có 37% dân số được dùng.

Nhà ở, nước sạch, trạm y tế, trường học, đào tạo việc làm… chỉ là những “góc” nhỏ trong “bức tranh” an sinh xã hội rộng lớn. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 nước ta có mức thu nhập trung bình khá, hệ thống an sinh xã hội phải hướng tới độ “bao phủ” toàn dân, không còn những góc sáng - tối.