“Bóng chữ” đổ lên đời người

(ANTĐ) - Tự ví mình như một người phu chữ, cả cuộc đời ông từ khi mang trong mình gánh nặng văn chương đã mê mải đi, mê mải kiếm tìm để làm người phát khởi cánh đồng đầy tốt tươi của ngôn ngữ thơ ca. Thêm một lần nữa, những người yêu quý thơ Lê Đạt và con người ông lại có dịp gặp nhau và hồi tưởng về người phu chữ đầy tài hoa ấy trong tọa đàm: “Thơ Lê Đạt - bóng chữ ngả dài trên đường chữ” vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của tháng 3-2011.

Nhà thơ Lê Đạt:

“Bóng chữ” đổ lên đời người

(ANTĐ) - Tự ví mình như một người phu chữ, cả cuộc đời ông từ khi mang trong mình gánh nặng văn chương đã mê mải đi, mê mải kiếm tìm để làm người phát khởi cánh đồng đầy tốt tươi của ngôn ngữ thơ ca. Thêm một lần nữa, những người yêu quý thơ Lê Đạt và con người ông lại có dịp gặp nhau và hồi tưởng về người phu chữ đầy tài hoa ấy trong tọa đàm: “Thơ Lê Đạt - bóng chữ ngả dài trên đường chữ” vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày cuối cùng của tháng 3-2011.

“Bóng chữ” tên tập thơ của ông được Hội Nhà văn xuất bản năm 1994, đó cũng là lúc, tên ông chính thức trở lại văn đàn một cách trịnh trọng sau quãng thời gian dài lặng lẽ. Về tên tập thơ, nhà thơ trẻ Hữu Việt cho biết bản thảo ban đầu mà nhà thơ Lê Đạt nhờ nhà thơ Hữu Việt đánh máy có tựa đề là “Vườn màu”.

Tuy nhiên, thân sinh của nhà thơ Hữu Việt là nhà thơ Hữu Mai sau khi đọc hết tập thơ đã đề nghị với Lê Đạt đổi tên thành “Bóng chữ” lấy từ tựa đề của một bài thơ trong đó. “Bóng chữ” ngả lên bóng đời, thơ ca đã đưa nhà thơ Lê Đạt đến gần hơn với công chúng và đưa ông trở thành một trong những nhà thơ tiêu biểu về tư duy đổi mới ngôn ngữ trong thơ hiện đại. Và rồi ông phải lao đao trong suốt mấy chục năm trời vì một cái “nạn văn chương”.

Sau “tai nạn nghề nghiệp” ấy, gã phu chữ phảng phất phong thái của một anh nông dân ấy lăn lộn làm nghề dịch thuật để lo cơm áo. Ông không bi lụy ôm lấy sầu hận, ông không trách cứ người đời. Như lời người con gái út của nhà thơ chia sẻ thì chị chưa bao giờ thấy bố mình nói xấu một ai.

 Có chung nhận xét này, nghệ sĩ sân khấu Ngọc Thụ hồi nhớ lại những ngày được gần gũi ông, nhiều người khi thấy nhà thơ Lê Đạt mắc nạn văn chương đã xa lánh, nhưng nhà thơ vẫn cứ cười ha hả, vẫn sống phóng khoáng với mọi người, không bao giờ than trách bất kỳ ai và phàn nàn về cuộc sống. Có lần, nhìn thấy gia đình Lê Đạt ăn uống đạm bạc quá, Ngọc Thụ hỏi: Anh ơi, sao mà phải khổ thế này. Nhà thơ Lê Đạt mới nói: Ừ, anh khổ thì có khổ thật, nhưng nhiều người còn khổ hơn anh”.

Lê Đạt là thế, cái tính phóng khoáng của ông bật ra ở tiếng cười đầy sảng khoái, gặp ai thân tình ông đều bắt tay thật chặt và việc đầu tiên là ông cười. Tiếng cười như xóa tan hết mọi mây đen u ám trên đời mình, nhưng cũng phải mất ba mươi năm ông mới được hưởng trọn vẹn niềm vui được đo đếm giá trị những bước chân đầu tiên mà nhà thơ đã bước trên con đường chữ nghĩa đầy gian truân ấy.

Một phu chữ, đẩy chiếc xe bò lên con dốc của văn chương, nhà thơ của “Át cơ” đã tự nhận mình như thế. Giá như, ông cứ an phận làm một anh phu chữ nhọc nhằn, giá như ông cứ cần mẫn với công thức “Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi!" để mà sáng tạo như rất nhiều nhà thơ cùng thời khác, thì “đường chữ” mà ông đang bước sẽ ít gập ghềnh hơn.

 Nhưng Lê Đạt là thế, ông có thể dễ dãi, bỗ bã với bạn bè ở quán cà phê, có thể ăn to nói lớn, vô lo vô nghĩ ở quán bia vỉa hè, nhưng với thơ ông vẫn làm việc một cách nghiêm cẩn. Ông không chấp nhận thứ ngôn ngữ “tiêu dùng”, ông gọi đó như “cơm phở bình dân”, thơ phải đạt đến độ thanh cao và tinh túy… và thơ phải trở về đúng bản ngã của chính trái tim mình!

Phác thảo chân dung về bậc tiền bối thân thiết của mình, nhà thơ trẻ Hữu Việt viết “…Trời hành bận mất ngủ… Ông bảo đã có bao lần toan tự tử… Nhưng chữ còn nặng nợ lại thôi… Ông bảo mình chịu thiệt nhiều thứ vui vì trót mang thân phu chữ… Ông rộng rãi, khoan dung… lịch sự. Chỉ nghiêm khắc những khi làm chữ và khi đọc thơ”.

Mây tan và nắng đã đến nhưng rồi ông chỉ hưởng thụ được vầng hào quang ấy trong một thời gian ngắn ngủi. Một ngày cuối tháng tư năm 2009, trái tim của nhà thơ thôi thổn thức, đôi mắt của nhà thơ thôi bắt lấy nhịp đời sôi động để thâu tóm vào thơ ca, gã phu chữ đã dừng bước hành trình của mình trong sự sung mãn của một đời người toàn vẹn sau hoạn nạn. Có lẽ, với Lê Đạt… chỉ thế thôi cũng là đủ lắm rồi.

Hồ Hồng Lam