Bội thực thi hát truyền hình

ANTĐ - Từ tối 17-7, liveshow đầu tiên của Sao Mai 2011 sẽ chính thức được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Thay đổi đầu tiên của Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm nay là sẽ bắt đầu lên sóng từ 21h

Từ tối 17-7, liveshow đầu tiên của Sao Mai 2011 sẽ chính thức được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Thay đổi đầu tiên của Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc năm nay là sẽ bắt đầu lên sóng từ 21h, dành lại “giờ vàng” từ 20-21h cho một sân chơi ca nhạc khác - Đồ Rê Mí. Đây chỉ là một đơn cử về thực trạng bội thực sân chơi ca nhạc trên sóng truyền hình trên toàn quốc.

NSƯT Huyền Thanh - Phó trưởng Ban Văn nghệ, Phó trưởng BTC Sao Mai 2011 cho biết: “Cuộc thi năm nay được tổ chức vào mùa hè nên việc lùi giờ phát sóng cũng không ảnh hưởng nhiều…” Dù vậy, lý do chính là khoảng thời gian từ 20-21h chủ nhật trên VTV3 đã được chương trình Đồ Rê Mí “đặt chỗ” từ lâu. Nói là ưu tiên “giờ vàng” cho khán giả nhí, nhưng thực chất hợp đồng ký kết phát sóng sân chơi thiếu nhi này đã đều đặn lên sóng mấy năm nay, VTV3 không thể phá vỡ cam kết để lấy “đất” cho Sao Mai 2011. Điều đáng nói là vì thế mà tối Chủ nhật hàng tuần từ 17-7 đến tháng 9-2011, khán giả sẽ “bội thực” với hai chương trình ca nhạc chạy tiếp sức trên sóng VTV3.

Những gương mặt ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi Tiếng ca học đường

Chỉ tính riêng VTV3 đã có hàng chục chương trình ca nhạc phát sóng. Bên cạnh cuộc thi Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn  hai năm tổ chức một lần còn có nhiều sân chơi ca nhạc khác như Trò chơi âm nhạc, Con đường âm nhạc, Điểm hẹn âm nhạc, Việt Nam Idol, Song ca cùng thần tượng… Nhiều chương trình kéo dài hàng tháng trời với hàng chục liveshow được truyền hình trực tiếp như Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn, Việt Nam Idol ít nhiều làm khán giả mệt mỏi. Sức hấp dẫn của các cuộc thi hát cũng vì thế mà vơi giảm khi hết cuộc thi này lại đến cuộc thi khác được tổ chức. Thậm chí, có những thời điểm hai cuộc thi cùng song hành lên sóng như Sao Mai Điểm Hẹn 2010 và Việt Nam Idol 2010. Cảm giác bị “bội thực” với các chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình là điều khó tránh khỏi với khán giả. Đấy là chưa nói, nhiều chương trình đuối sức trông thấy như Con đường âm nhạc - thay hết êkíp đạo diễn, tác giả kịch bản và mất lượt MC vẫn không tạo được sức bật so với những chương trình đầu tiên.

Nói cho cùng, âm nhạc nói chung và ca nhạc nói riêng cũng chỉ là một món ăn tinh thần như các môn nghệ thuật khác. Trong khi lĩnh vực này có hàng loạt chương trình phát sóng, trong đó có nhiều sân chơi ca nhạc được truyền hình trực tiếp thì lĩnh vực sân khấu thường chỉ 1 tháng 1 lần được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam với chương trình Sân khấu truyền hình. So sánh đó, cho thấy sự bất công giữa các loại hình nghệ thuật trên sóng truyền hình. Ăn mãi món gì cũng có lúc chán, huống hồ trong một buổi tối gần 3h đồng hồ liên tiếp là chương trình ca nhạc, thậm chí là trong một buổi tối hai sân chơi ca nhạc liên tiếp được “bày” trên sóng truyền hình như Đồ Rê Mí và Sao Mai 2011.

Bên cạnh Đài truyền hình Việt Nam, các Đài PT-TH địa phương những năm gần đây trình làng hàng loạt cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc. Đơn cử như Đài Truyền hình TP.HCM hàng năm vẫn tổ chức cuộc thi Tiếng hát học đường, năm 2011 bắt đầu sơ tuyển tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trong tháng 7-2011. Đài PT-TH Hải Phòng cũng tổ chức cuộc thi Tiếng hát TP Hoa Phượng đỏ. Trong số các cuộc thi hát do các Đài PT-TH địa phương tổ chức, cuộc thi Tiếng hát mùa thu của Đài PT-TH Hà Nội có tuổi thọ lâu nhất. Thế nhưng, sức hút của các cuộc thi này đang giảm sút trông thấy bởi có quá nhiều cuộc thi hát nên số lượng thí sinh tham gia cũng bị phân tán, tiếng vang của một cuộc thi chưa được bao lâu thì cuộc thi khác chèn lên. Thế nên, những giọng ca thực sự triển vọng và được đào tạo bài bản vẫn luôn lựa chọn cuộc thi nào có tầm ảnh hưởng để dự thi.

Ngoài ra, trước tình trạng bội thực các cuộc thi hát trên truyền hình, lựa chọn thành phần Ban giám khảo thực sự là một bài toán khó của ban tổ chức các cuộc thi. Đến hẹn lại lên, năm nào Đồ Rê Mí được tổ chức danh hài Xuân Bắc và giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh lại ngồi ghế giám khảo. NSƯT Huyền Thanh cứ đến dịp Sao Mai hay Sao Mai Điểm Hẹn lên sóng, khán giả dễ dàng nhận thấy chị trong hàng ghế Ban giám khảo. Điều đó cũng dễ hiểu vì quy định là trong thành phần Ban giám khảo phải có thành viên Ban tổ chức Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn. Những sự xuất hiện liên tục của các thành viên Ban giám khảo trên sóng truyền hình này khiến cho các cuộc thi hát không còn nhiều tính bất ngờ. Điều đó cũng cho thấy, sự “bội thực” của chương trình ca nhạc truyền hình đã và đang khiến những nghệ sĩ chuyên ngồi ghế giám khảo bị bào mòn.