Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn thấu đáo

ANTĐ - Đó là kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, sau khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kết thúc phần trả lời chất vấn của mình vào sáng nay (13-6)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã kết thúc phần trả lời chất vấn
của mình vào sáng nay (13-6)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thống kê lại: Trước phiên chất vấn có 21 câu hỏi của các ĐBQH gửi tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và đã được lần lượt trả lời. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng đã trả lời 28 lượt ý kiến chất vấn, còn 13 ĐBQH có câu hỏi- đề nghị gửi văn bản tới và bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ nghiêm túc trả lời.

“Phần đặt câu hỏi của các vị ĐBQH ngắn gọn, rõ ràng, súc tích đi trúng vấn đề, liên quan sâu rộng tới đời sống ngành nông nghiệp, người nông dân, nông thôn chúng ta”- Chủ tịch Quốc hội đánh giá- “Cùng với Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Kế hoạch và đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Y tế, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời đầy đủ và thấu đáo, làm rõ tình hình.. Kèm theo đó là một số lời hứa chỉ đạo thực hiện, nếu làm tốt chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn”.

Về nội dung của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tóm tắt lại một số nhóm vấn đề: Đầu tiên cần tạo ra được chuyển biến tích cực hơn nữa cho mặt trận nông nghiệp, nông thôn, tích cực nâng cao đời sống nông dân, giảm nghèo. Để đến năm 2020 trở thành ngành nông nghiệp hiện đại- thế mạnh của đất nước. Muốn thế cần làm tốt quy hoạch liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, rừng, thủy hải sản...

ĐBQH Nguyễn Thị Bích Nhiệm (tỉnh Yên Bái) chất vấn
Bộ trưởng Cao Đức Phát

Ngành nông nghiệp sẽ trình Chính phủ chương trình tái cơ cấu tổng thể ngành, để xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn mà lại nắm bắt được tính khoa học, công nghệ quốc tế để tăng năng suất. Đưa công nghiệp hóa và khoa học công nghệ vào nông nghiệp: giải quyết các vấn đề liên quan từ giống cây, con tới sản xuất, dự trữ, lưu thông, thị trường.

Cần quản lý chặt chẽ toàn bộ quá trình từ sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối sản phẩm, hiện còn nhiều vấn đề, chất lượng chưa đảm bảo. Xây dựng thương hiệu hội nhập quốc tế cho tốt, phát huy những sản phẩm ưu việt: cà phê- cao su- hạt điều- lúa gạo- cá tôm, góp phần vào xuất nhập khẩu, nâng cao đời sống người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Rà soát cơ chế chính sách hỗ trợ: đầu tư công, tín dụng, thuế, bảo hiểm, vận động tài trợ cho mặt trận nông nghiệp, nông thôn để đạt được mục tiêu đề ra.

Về bảo vệ rừng và trồng rừng: kiên quyết chống phá rừng, lâm tặc; hạn chế cháy rừng, bảo vệ rừng, liền theo đó là trồng rừng. Liên quan đến rừng còn có vấn đề thủy điện. Các bộ trưởng đã hứa quy hoạch sớm thủy điện để tránh mất hồ, mất rừng, đảm bảo ổn định công tác di dân tái định cư, quy hoạch lại nông lâm trường. Rà soát quy hoạch, cắm mốc lại các loại .

Về phong trào xây dựng nông thôn mới: Cần có sơ kết, đánh giá lại để có thể đẩy nhanh, đẩy mạnh phong trào này. Phải làm cho có hiệu quả tập trung vào các tiêu chí: quy hoạch, giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe người dân, xây dựng đời sống văn hóa cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ nông thôn vững mạnh để có nông nghiệp phát triển, nông thôn yên ấm, đời sống ngày càng nâng cao.

Tất cả các vấn đề này sẽ được ghi vào nghị quyết Quốc hội để Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành liên quan thực hiện.