Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Không phải thích là làm”

ANTĐ - Xung quanh việc thu phí phương tiện, chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tiếp tục họp báo “giải trình” câu hỏi của các phóng viên về các khoản phí mà Bộ này đã đưa ra.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Internet

- Bộ GTVT căn cứ vào đâu để thu phí bảo trì đường bộ và mức thu như Bộ đề xuất có hợp lý?

 - Bộ trưởng Đinh La Thăng: Luật Đường bộ từ năm 2008 đã có quy định xây dựng Quỹ bảo trì đường bộ để có nguồn kinh phí bảo trì, duy tu đường sá. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, các bộ, ngành liên quan chưa làm kịp nghị định về Quỹ này. Phải đến vừa qua, Chính phủ mới ký ban hành. Song, lại đúng vào thời điểm tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, Quỹ thu vào dịp này không được thuận cho lắm. Nếu chúng ta làm tốt hơn, kịp thời hơn thì thu vào năm 2010 là hợp lý. Hơn nữa, Quỹ này đã được Luật Đường bộ thông qua, không phải đề xuất hay ý tưởng, phát kiến mới của Bộ GTVT.

- Còn với phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ra vào nội đô giờ cao điểm?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hai loại phí này cũng đã được Quốc hội thông qua, và gần đây nhất là NQ88 của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có tính toán, với tình hình kinh tế khó khăn như năm nay, Bộ GTVT chỉ trình để báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung vào Pháp lệnh phí và lệ phí, chưa thu ngay trong năm nay. Đường sá phần lớn do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư chưa thu phí. Vì vậy, quan điểm Bộ cũng đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, ai sử dụng nhiều hạ tầng người đó phải nộp tiền nhiều hơn, ô tô sử dụng nhiều hạ tầng hơn xe máy phải đóng phí nhiều hơn... Hơn nữa, phí hạn chế phương tiện cá nhân chỉ thu thí điểm tại 5 TP lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh, chỉ thu ở nội đô, không thu đối với người nghèo. Xe máy sẽ thu chậm hơn ô tô ít nhất 6 tháng.

- Có ý kiến cho rằng, trong trách nhiệm của mình, Bộ GTVT chỉ biết tăng phí?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan được Chính phủ giao hiện làm rất nhiều việc như xây đường sắt trên cao, đường cao tốc, tàu điện ngầm, nâng cao chất lượng công trình… không thể nói chỉ biết tăng và thu phí. Hơn nữa, với chính sách thu phí hạn chế phương tiện, ban đầu chỉ khoảng 600.000 người có ô tô bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ người dân sẽ được hưởng, đường sá thuận lợi, an toàn, thông thoáng hơn. Hiện ở vùng nông thôn, người dân đang phải đóng tiền làm đường, 60% từ người dân, 40% từ Nhà nước, là một khoản rất lớn so với người đi ô tô, nhưng người dân vẫn sẵn sàng. Rõ ràng, người đi ô tô là người đỡ nghèo hơn người không có ô tô.

Tôi nghĩ, những người đi ô tô được hưởng nhiều hơn về hạ tầng, vậy nên đóng phí, tham gia đóng góp một phần cùng Nhà nước làm hạ tầng là hợp lý. Đa số người có ô tô sẽ ủng hộ việc này. Dù chính sách chưa hoàn toàn khách quan, chưa hoàn toàn công bằng, nhưng hơn 600.000 người có xe ô tô phải đóng góp phí cũng là đóng góp cho đất nước.

- Cũng có ý kiến cho rằng, thu phí như vậy là bắt ép người dân?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bộ GTVT đưa ra đồng bộ nhiều giải pháp, có hạn chế phương tiện cá nhân, có phát triển vận tải công cộng… Nếu nói rằng thu phí phương tiện để ép dân đi xe buýt, tức là cứ cho phát triển phương tiện cá nhân, khi nào đầu tư xong xe buýt hay vận tải công cộng mới cấm thì sẽ không  còn đường để đi. Phải đồng bộ nhiều giải pháp cùng một lúc. Hơn nữa, Bộ GTVT thực hiện theo chỉ đạo từ Chính phủ, Quốc hội, không phải thích là làm, nóng vội hay không. Còn bất kỳ chính sách nào đưa ra cũng sẽ động chạm tới những đối tượng chịu ảnh hưởng. Thu phí thì 100% người dân được hưởng, kể cả những người phải nộp phí.