Bố mẹ lơ là, bệnh nhi ho gà tăng trở lại

ANTD.VN - Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến bệnh ho gà tăng trở lại tại Hà Nội và một số tỉnh/ thành phố khác là do trẻ không được tiêm vaccine đầy đủ. Đặc biệt, ở một số thời điểm vaccine dịch vụ phòng ho gà khan hiếm, nhiều người dân vẫn có tâm lý chờ đợi, không đưa trẻ đi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trẻ mắc ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Chưa tiêm đủ vaccine

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ tính riêng trong gần 1 tháng qua, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc bệnh ho gà có biến chứng nặng. Qua khai thác bệnh án, đa số trẻ bị bệnh đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh này. Bệnh nhân đến rải rác từ Hà Nội và các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình… 

Đáng lo ngại là hầu hết trẻ đến viện trong tình trạng muộn hoặc trước đó được chẩn đoán nhầm với bệnh lý khác như viêm đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi. Đến khi uống thuốc mãi không khỏi, bị biến chứng viêm phổi, thậm chí đã bắt đầu xuất hiện tình trạng suy hô hấp mới được đưa đến bệnh viện, vì thế không ít trường hợp phải thở máy, có những trường hợp phải điều trị kéo dài hàng tháng.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhi Trần T.D. (4 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang điều trị trong phòng cách ly vì biến chứng viêm phổi. Mẹ bệnh nhi cho biết, lúc đầu cháu bé chỉ ho một, hai tiếng, đứt quãng, gia đình tưởng cháu chỉ bị viêm họng thông thường nhưng càng ngày cơn ho càng dài, sau mỗi cơn ho còn có biểu hiện tím tái. Lúc này gia đình đưa bé đến viện thì đã viêm phổi nặng do biến chứng của bệnh ho gà… 

Thêm một điều đáng lo ngại nữa, theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, đó là bệnh ho gà có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 1-2 tuần, khó  nhận biết sớm, trong khi đây lại là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như hộ gia đình, trường học. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Vì thế, những trẻ chưa tiêm vaccine phòng ho gà hoặc tiêm chưa đủ mũi có nguy cơ lây bệnh rất lớn. 

Cần tiêm chủng đúng lịch 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vaccine tổng hợp 5 trong 1 Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib) có tác dụng phòng bệnh ho gà.

Nhờ thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt với khoảng 25 triệu liều vaccine Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ trên cả nước từ giữa năm 2010 đến nay, số ca mắc ho gà cũng như các bệnh bạch hầu, uốn ván… đã giảm mạnh. Tuy nhiên gần đây, sau khi xảy ra một số vụ tai biến sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, tỷ lệ người dân đưa trẻ đi tiêm chủng loại vaccine này ở một số địa phương có sụt giảm.

Đặc biệt, từ cuối năm 2014 kéo dài cho tới đầu năm 2016 vừa qua, do vaccine tương ứng trong tiêm dịch vụ như vaccine 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) khan hiếm, một số người dân ở thành phố có tình trạng chờ đợi vaccine dịch vụ mà không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, dẫn tới số ca mắc ho gà tăng trở lại. 

Trên thực tế, trong số các bệnh nhi mắc ho gà biến chứng nặng phải vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương gần một tháng qua, số bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời điểm mà trẻ chưa đến tuổi tiêm đủ 3 mũi vaccine Quinvaxem để phòng bệnh, trong khi theo khuyến cáo nếu tiêm đủ 3 mũi  có thể bảo vệ được tới trên 90%, còn với trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi thì khả năng bảo vệ miễn dịch chỉ khoảng 60%.

Bác sỹ Nguyễn Văn Lâm cho rằng, để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, tránh tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine hoặc chưa tiêm đủ mũi đã mắc ho gà, tốt nhất là các bà mẹ khi mang thai nên chủ động đến các điểm tiêm chủng để được tư vấn tiêm vaccine phòng bệnh, nhằm tạo hệ miễn dịch sớm cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. 

Về triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh ho gà, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh này thường khởi đầu bằng cơn sốt nhẹ (có thể không có sốt), có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ thường ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt, nôn. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly, đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Biện pháp phòng bệnh ho gà hiệu quả

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh ho gà, cần hướng dẫn cho trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày. Cần đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ. Đặc biệt, cần chủ động cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Với vaccine Quinvaxem, trẻ cần được tiêm mũi thứ nhất khi 2 tháng tuổi, tiêm mũi thứ hai sau mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ ba tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi thứ tư khi trẻ 18 tháng tuổi. Với những trẻ đã quá tuổi nhưng chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi thì cần đưa trẻ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt, có thể tới trạm y tế xã/ phường hoặc các điểm tiêm chủng để được tư vấn cụ thể.