- Zika diễn biến "nóng", bệnh giao mùa gia tăng
- Không chủ quan với sốt xuất huyết
- Cả mẹ và con cùng lây thủy đậu
Từ Tết Nguyên đán đến nay, Bệnh viện E tiếp nhận một số trường hợp người lớn bị lây thủy đậu từ trẻ
Tại Hà Nội, chỉ tính riêng con số thống kê được của ngành Y tế dự phòng thành phố, đã có 161 ca mắc thủy đậu, hàng chục ca liên cầu khuẩn lợn từ đầu năm đến nay. Trên cả nước đã ghi nhận gần 2.100 ca mắc tay chân miệng.
Bệnh nhi nhập viện tăng vọt
Mấy ngày gần đây, thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi đột ngột, đang nóng lại chuyển lạnh khiến số trẻ đổ bệnh phải vào viện khám, điều trị tăng vọt. Theo ghi nhận của phóng viên tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm này, lượng bệnh nhi vào điều trị rất đông, tăng khoảng 20-30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số các trẻ nhập viện thời điểm này, bệnh thường gặp nhất là viêm đường hô hấp và rối loạn tiêu hóa.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng phân tích, sự thay đổi thời tiết từ nóng chuyển lạnh đột ngột như mấy ngày qua là điều kiện lý tưởng cho virus gây bệnh phát triển, tấn công vào hệ hô hấp của trẻ nhỏ vốn có sức đề kháng chưa hoàn thiện. Nhiều trẻ ban đầu chỉ xuất hiện triệu chứng như chảy mũi, sốt nhẹ, ho, các bậc cha mẹ thường tự mua thuốc về điều trị cho con. Tuy nhiên, không ít trường hợp bệnh tiến triển rất nhanh, khi xuất hiện triệu chứng khó thở, thở rít, đưa đến viện thì đã bị viêm phế quản hoặc viêm phổi nặng.
“Tính trên toàn thành phố, tháng 1 và đầu tháng 2-2017, Hà Nội đã ghi nhận tổng số 161 trường hợp mắc bệnh thủy đậu”. TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, một sai lầm mà nhiều phụ huynh, thậm chí cả nhân viên y tế đôi khi cũng mắc phải là cho trẻ dùng xen kẽ các loại thuốc hạ sốt, phổ biến nhất là paracetamol và ibuprofen. Trên thực tế, việc dùng xen kẽ các loại thuốc để hạ sốt nhanh cho trẻ như vậy có khả năng gây ngộ độc cao.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, hiện tượng trẻ bị hắt hơi, sổ mũi trong điều kiện thời tiết thay đổi như hiện nay là rất thường gặp, các bậc phụ huynh không nên cứ thấy trẻ hắt hơi sổ mũi là đưa đi viện ngay mà có thể chăm sóc cho trẻ tại nhà. Tuy nhiên, nếu bé cảm ho trên 1 tuần, sốt cao khó hạ trên 2 ngày hay có các triệu chứng tiến triển nặng như khó thở, li bì, co giật… thì nên đi khám. Đặc biệt cần chú ý nếu trẻ co giật, cha mẹ cần bế nghiêng người trẻ để các đờm dãi chảy ra ngoài, tránh trường hợp trẻ bị sặc, đồng thời không được day, vuốt trẻ, luôn giữ đầu trẻ thẳng, không được gập đầu để trẻ thở tốt.
Lo ngại dịch thủy đậu, tay chân miệng lây lan
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua, có hơn 10 bệnh nhi nhập viện vì mắc thủy đậu, thậm chí có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Tuy đây là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não…
Thông thường tháng 3-4 hàng năm là cao điểm của bệnh thủy đậu ở miền Bắc, vì thế số ca mắc thủy đậu trong thời gian tới được nhận định sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. Để phòng bệnh này, TS. Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cha mẹ nếu có con mắc bệnh thì nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn; bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ; khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng; chủ động tiêm vaccine phòng bệnh.
Cùng với thủy đậu, thời điểm này, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng vào điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội cũng đang gia tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thông thường sau Tết là mùa bệnh tay chân miệng ở các tỉnh phía Nam, còn tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc dịch bệnh này cũng thường gia tăng mạnh nhất vào các tháng 3 và 5.
Để đề phòng dịch tay chân miệng bùng phát vào cao điểm vụ dịch như hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp như: Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày; hạn chế không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.