Bỏ mẫu giáo đi học chữ: Đáng lo ngại

ANTĐ - “Đến thời điểm này mà chưa cho con đi học chữ để chuẩn bị vào lớp 1 thì có lẽ là hơi đi ngược xu thế bởi gặp bạn bè, họ hàng có con cùng lứa tuổi ai cũng hỏi đã đi học chưa, học cô nào rồi... Chắc phải tìm lớp cho con học thật! ”. Lời tâm sự này chắc không phải của riêng phụ huynh nào có con học mẫu giáo lớn.

Trẻ mẫu giáo “chạy sô” học chữ

Trẻ mẫu giáo cần được học tập, vui chơi đúng lứa tuổi

9h sáng, cậu bé ước chừng chỉ 4, 5 tuổi vẫn đang ngồi dềnh dàng ăn sáng với mẹ. Hỏi ra thì mẹ cậu bé cho biết con không phải đi lớp mẫu giáo mà thay vào đó là đến lớp của bà trẻ để học chữ nên cũng không cần đúng giờ. “Cháu nhìn mặt non vậy thôi chứ cũng 5 tuổi rồi. Thấy các anh chị làm cùng mách gần cơ quan mình có nhóm trẻ 5 tuổi học chữ của bà trẻ là cô giáo tiểu học nghỉ hưu nên mình cho con nghỉ hẳn ở  trường mẫu giáo để gửi bà vừa chăm con ăn vừa học chữ luôn. Tiện cả đôi đường” - vị phụ huynh này cho biết. 

Không khó để tìm lớp học cho trẻ 5 tuổi. Tại nhiều khu dân cư, các nhóm lớp kiểu này được mở ra khá mạnh. Chỉ cần một căn hộ nhỏ, sạch sẽ với hai vợ chồng nghỉ hưu, bà Nguyễn Thanh Hoa, giáo viên nghỉ hưu không cần quảng cáo cũng dễ dàng tuyển được một lớp với gần 10 cháu cùng nhóm tuổi, chủ yếu là con em trong cùng khu phố gửi gắm. “Học phí bà Hoa có 1,5 triệu đồng/tháng, ăn 3 bữa, còn học chữ ngày 2 buổi. Trong khi đó con nhà mình học mẫu giáo tư thục hết 2,5 triệu đồng/tháng chưa kể tiền học thêm nếu muốn biết đọc, biết viết” - một phụ huynh gửi con vào nhóm lớp này cho biết khi quyết định cắt hẳn học kỳ cuối ở trường mẫu giáo của con để theo học lớp bà Hoa.

Mặc dù thuận tiện nhưng không phải ai cũng muốn gửi gắm con vào nhóm lớp nhỏ lẻ tại khu dân cư vì vẫn muốn con được đến trường cùng bạn bè. Tuy vậy, cũng không thể nằm ngoài xu thế chung, các bé này sẽ vất vả hơn các bạn khi mà phải “chạy sô”, một tuần 3 buổi từ lớp mẫu giáo đến thẳng lớp học chữ. “Thông thường các con sẽ ở trường mẫu giáo từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tuy nhiên để kịp lớp học chữ buổi chiều mình phải đón con về sớm từ sau bữa trưa để đưa về nhờ ông bà đưa con đến lớp cô giáo tiểu học gần nhà. Cô giáo dạy ở trường tiểu học Thanh Xuân. Dù theo đúng tuyến con mình không học ở trường này nhưng thuận tiện là gần nhà dễ đưa đón, cô lại rất trẻ và nhiệt tình. Lớp học của cô chỉ 3 cháu/lớp, học phí 50.000 đồng/buổi” - chị M.H.Loan, phụ huynh trường mẫu giáo Thiên Thần nhỏ tỏ ra yên tâm khi thu xếp được lịch học thêm cho cậu con 5 tuổi của mình.

Nhà trường cũng chịu sức ép học thêm

Mặc dù theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường mẫu giáo không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mẫu giáo nhưng trước nhu cầu thực tế này, một số trường tư thục đã phải lặng lẽ dành thời gian chính khóa để mời giáo viên tiểu học về dạy thêm cho lớp mẫu giáo lớn trường mình. Theo lý giải của một hiệu trưởng trường mầm non tư thục thì khá nhiều trường tư thục bị thiếu hụt trẻ 5 tuổi do Hà Nội đã phổ cập trẻ 5 tuổi đều được tạo điều kiện học ở trường công lập. “Trường nào mở được lớp trẻ 5 tuổi thì lại cũng rất khó khăn trong việc duy trì ổn định lớp học khi bước sang học kỳ II, nhiều gia đình xin cho con nghỉ hoặc học nửa buổi để học thêm chương trình lớp 1” - vị hiệu trưởng này cho biết. Chính vì vậy, để thu hút trẻ 5 tuổi theo học, những trường này chỉ có cách là cam kết với phụ huynh về việc dạy trước cho trẻ biết đọc và viết.

Trong khi đó, với các trường công lập, việc mở lớp học thêm chương trình lớp 1 là không thể thực hiện, do vậy không ít trường phải chấp nhận tình trạng sĩ số không ổn định với lớp mẫu giáo lớn. Theo bà Nguyễn Minh Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng: “Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp cần đạt 90% mới hoàn thành phổ cập nhưng chính vì muốn con biết chữ, các vị phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học mẫu giáo mà không quan tâm đến việc làm sao cho con học tập và làm quen trong môi trường phù hợp với lứa tuổi. Do vậy, việc duy trì trẻ 5 tuổi đến lớp chỉ đạt trên 80%”.  

Phản ánh tình trạng này với Sở GD-ĐT Hà Nội, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non cho biết, qua khảo sát thực tế thì tình trạng trẻ 5 tuổi nghỉ học phần lớn xảy ra ở các quận nội thành. Mặc dù chưa thể khắc phục triệt để, tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, so với các năm trước, tình trạng nghỉ học này đã giảm bởi cùng với việc triển khai chương trình phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi cũng như đầu tư mạnh cho lớp học này, nhiều phụ huynh khi tìm hiểu kỹ về chương trình có thể yên tâm với sự chuẩn bị tâm thể của con trước khi vào lớp 1. 

Bà Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non - Bộ GD-ĐT: Bỏ học mẫu giáo chỉ xảy ra ở các thành phố lớn

Theo dõi bậc học này thì tình trạng trẻ mẫu giáo lớn bỏ học để học các lớp luyện chữ vào lớp 1 chủ yếu chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, nơi có tính cạnh tranh cao. Với đa số các địa bàn tỉnh thành trên cả nước thì việc học trước của trẻ mẫu giáo 5 tuổi chỉ diễn ra nhỏ lẻ. Điều này theo nắm bắt của Vụ chúng tôi thì không ảnh hưởng đến kết quả triển khai phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc phải có chứng chỉ hoàn thành mẫu giáo 5 tuổi là không bắt buộc khi các con vào lớp 1. Mặc dù với nhiều trường mẫu giáo, nếu chứng chỉ này là bắt buộc sẽ góp phần giữ ổn định lớp học khi nhiều phụ huynh có tư tưởng cho con nghỉ học ở trường để về nhà học thêm. Chương trình mẫu giáo 5 tuổi mới hiện nay cũng rất chú ý vào việc chuẩn bị tâm thế cho các con vào lớp 1. Nếu nắm rõ nội dung chương trình này hơn, phụ huynh sẽ biết là nên hay không nên cho con học trước chương trình lớp 1.

Bà Bùi Thị Hải, Hiệu trưởng trường Mầm non B, Hà Nội: Yên tâm với nội dung dạy ở mẫu giáo


Tình trạng trẻ nghỉ học mẫu giáo lớn để đi học thêm chữ gần như không xảy ra ở trường chúng tôi. Năm học này cũng có một vài trường hợp xin nghỉ nhưng theo tìm hiểu của nhà trường là do chuyển nhà xa không thuận đường đi học. Để giữ ổn định được lớp học cuối cấp này, tôi cho rằng cần làm thế nào để phụ huynh yên tâm với nội dung giảng dạy trong trường. Việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ mẫu giáo lớp sắp vào lớp 1 là nhiệm vụ của trường trong cả năm học nhưng đặc biệt tập trung trong tháng 4, tháng 5 này. Các con sẽ được làm quen với học liệu, các tác phong trong lớp hay sinh hoạt của lớp 1. Cô giáo có trách nhiệm chỉ rõ cho con sự khác biệt giữa mẫu giáo và tiểu học. Ngoài ra, ở trường mầm non các con sẽ được nhận mặt chữ, ghép vần tự nhiên theo nhóm chữ... Từ bước này, việc đánh vần và đọc trơn của các con sẽ diễn ra rất nhanh khi vào lớp 1. Chúng tôi đặc biệt chú ý để làm sao các con có thể hoàn toàn bắt nhịp khi vào môi trường lớp 1. Mặc dù các con sẽ không được dạy viết chữ trong trường nhưng chắc chắn là từ nền nếp đến thói quen, tư thế học, cầm bút... thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm. Tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để phụ huynh không tìm cách cho con nghỉ học để học thêm.