Bò khai - loại rau có hương vị đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cứ vào dịp đầu xuân, khoảng tháng 2, tháng 3 Âm lịch, sau những cơn mưa xuân đủ đánh thức mầm non thức giấc sau kỳ ngủ đông dài, có một thứ rau rừng có cái tên rất lạ cũng vươn mình mơn mởn tựa màu lúa non - rau bò khai.

Rau rừng vào mùa

Mùa rau bò khai thường xuất hiện sau Tết, khi cơn mưa xuân đủ thấm ẩm đất, chúng phát triển mạnh mẽ và kéo dài đến đầu hè. Rồi thêm một đợt ngắn nữa vào đầu mùa mưa là hết rau ngon. Mùa rau tháng 7 sản lượng không được nhiều, chất lượng cũng giảm đi so với đợt đầu, đặc biệt rau trái mùa sẽ bị cứng nên không nhiều người thích.

Bò khai từ khi đâm chồi chỉ cỡ 1 tuần là cho thu hoạch. Thường người ta sẽ hái những đọt non dài 30cm, thân mập mạp với những lá non xanh mướt vào buổi sớm tinh sương. Lúc đó, rau đã ngậm đủ những hạt sương đêm sẽ đem đến vị ngon, giòn, ngọt tự nhiên của núi rừng. Rau bò khai thường mọc tự nhiên ở những khoảng đất trống chân dãy núi đá vôi các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… Chúng thuộc dạng dây leo, bám thành bụi vào những tảng đá. Sau này nhận thấy bò khai được rất nhiều người ưa thích và có giá trị kinh tế nên nhiều người đã đem về vườn nhà canh tác, thậm chí còn đem đi các tỉnh thành đồng bằng để nhân giống. Ở một số huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Ba Vì, Đông Anh… nhiều hộ cũng đã trồng, tuy nhiên hiệu quả không cao do không hợp thổ nhưỡng. Thậm chí ngay tại khu vực miền núi, khi đem về trồng vườn nhà ở những vùng đất thấp hoặc đất đồi, rau bò khai phát triển không mạnh, mùi hương đặc trưng cũng mất đi nhiều.

Bò khai không khó để mua, ở Hà Nội những năm gần đây cũng được bán nhiều ở các siêu thị nhỏ hoặc được dân buôn đem về. Tuy vậy sẽ rất hiếm khi thấy rau bò khai được bày bán ở các khu chợ truyền thống. Thứ rau rừng này khá đắt khách, mức giá từ 50 - 60 nghìn đồng/kg. Khi ngày càng phổ biến và được ưa chuộng, rau bò khai ngoài việc được các bà nội trợ đặt mua thì rất nhiều quán bia, nhà hàng đều có món bò khai xào tỏi, xào thịt bò trong thực đơn chính của mình.

Rau bò khai có mùi đặc trưng rất dễ nhận biết, nói ra tuy có vẻ thô thiển, nhưng nhiều người nhận xét nó có mùi từa tựa như … nước tiểu bò. Cái tên bò khai chính là lý do của việc so sánh ấy. Ngoài ra nó còn có tên gọi khác hay hơn như cây dây hương, hay rau dạ hiến… Mùi của thứ rau này đặc biệt đến nỗi chỉ đứng gần đã cảm nhận thấy, ấy vậy mà khi ăn lại rất ngon, thậm chí ngay cả sau khi ăn đến nửa ngày mùi của rau vẫn còn vương vấn. Nhiều thực khách cho rằng, nếu mua phải loại rau trồng ở vùng không hợp thổ nhưỡng thì ăn sẽ không tròn vị.

Rau bò khai có khá nhiều công dụng tốt cho hệ bài tiết, hàm lượng dinh dưỡng cao, hỗ trợ chữa cách bệnh sỏi thận, bệnh đường tiết niệu, suy nhược cơ thể, tiểu kém… Thường những ngọn non chủ yếu là dùng làm thực phẩm, những lá già và cành cây sẽ đem về cắt khúc phơi khô rồi hãm để uống như trà, rất tốt cho việc thanh lọc cơ thể và các bệnh về thận.

Bò khai ăn thế nào thì ngon?

Còn khá nhiều người chưa từng được ăn hay nghe đến thứ rau rừng này, thế nên khi lần đầu gặp thường vẫn có câu hỏi muôn thủa: “Ăn thế nào thì ngon?”. Rau bò khai dễ chế biến và chế biến nhanh gọn chứ không cầu kỳ, phổ biến nhất là các món xào tỏi hoặc xào thịt bò bởi 2 món này dễ ăn và ít bị nặng mùi nhất. Bò khai khi được thu hái đọt khá dài nên thường người ta nhặt lấy hết, chỉ bỏ đi chút cuống già ở cuối cành. Rau mọc ở trên cao nên khá sạch nên cũng dễ dàng khi sơ chế.

Với những người chưa quen với mùi rau, cách để khử bớt mùi là xào thật nhiều tỏi. Rau rửa xong đem xào luôn mà không cần làm ráo nước, vì khi xào trên lửa lớn, những giọt nước còn bám lại sẽ giúp làm rau chín nhanh mà vẫn giữ độ giòn nhất định. Khi xào với thịt bò, mùi thịt bò cũng trung hòa mùi của rau, vị đậm đà của thịt quện với cái giòn ngọt của rau ăn rất đưa vị. Cách ăn này hợp với số đông và những người chưa quen với mùi vị của thứ rau này. Ở các tỉnh miền núi thì lại chuộng cách ăn hơi khác một chút. Họ sẽ xào với thịt dải, thăn lợn thái mỏng hoặc lạp xường tươi. Cách này sẽ giữ nguyên mùi vị tự nhiên của rau. Thường rau bò khai ngon nhất khi được xào bằng mỡ lợn, khi ăn vị thơm ngậy của mỡ và cái giòn sần sật kết hợp với vị ngọt tự nhiên ăn khá ngon mà không hề ngấy.

Nhưng ngon nhất vẫn phải là bò khai xào mì, thứ mì gạo tráng thủ công ở miền núi khi kết hợp với rau bò khai rất “đưa miệng”. Mì được ngâm qua nước cho mềm, bắc chảo lên bếp chờ nóng già, bỏ vài miếng mỡ lợn lên chao. Khi những miếng mỡ thành tóp vàng thì phi chút tỏi cho thơm rồi thả mì vào xào trên lửa lớn. Xào đến khi đủ độ thì cho rau vào đảo cùng, nêm nếm gia vị đến khi rau chín và phần mì đã bám thành chảo thì cho thăn lợn thái mỏng đảo đều vài phút là được. Khi ăn phần mì mềm mềm, hơi cháy sém kết hợp với vị giòn ngọt của rau, đặc biệt là thịt lợn chín tới vẫn giữ độ ngọt tươi ăn cực kỳ lôi cuốn. Một số gia đình xào món ăn kiểu này thay luôn cho bữa cơm mà vẫn đủ tinh bột, chất xơ và chất đạm. Cũng có thể thay mì bằng miến, mì tôm… mà vẫn có vị ngon riêng.

Rau bò khai ít khi luộc hay nấu canh bởi nó không ngon so với xào. Bò khai có 2 loại là bò khai trắng và bò khai đỏ. Phổ biến nhất là bò khai trắng, còn loại bò khai đỏ hiếm hơn nhưng ngon và có mùi vị đậm hơn. Rau rừng đang vào mùa, thêm sự lựa chọn cho bữa ăn gia đình vừa ngon, vừa sạch, vừa có nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.

Bò khai không khó để mua, ở Hà Nội những năm gần đây cũng được bán nhiều ở các siêu thị nhỏ hoặc được dân buôn đem về. Tuy vậy sẽ rất hiếm khi thấy rau bò khai được bày bán ở các khu chợ truyền thống. Khi ngày càng phổ biến và được ưa chuộng, rau bò khai ngoài việc được các bà nội trợ đặt mua thì rất nhiều quán bia, nhà hàng đều có món bò khai xào tỏi, xào thịt bò trong thực đơn chính của mình.