Đầu xuân nhớ vị sau sau

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Qua Tết, khi những cơn mưa xuân bắt đầu rơi xuống trong cái se lạnh cũng là lúc đến mùa rau sau sau mới. Sau sau là thứ rau rừng rất lạ với rất nhiều người, nhưng ai đã từng thưởng thức nó sẽ nhớ hoài vị chát chát, bùi bùi lôi cuốn ấy.

Rau lạ của rừng

Chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán rất nhiều người đi chợ muốn kiếm vài mớ rau sau sau về đổi món, giải ngấy cho những cỗ bàn triền miên. Năm nay khô hạn kéo dài, mãi qua Rằm tháng Giêng trời mới đổ những cơn mưa nồm ẩm ướt, thế thôi cũng đủ làm chồi non của rau sau sau đâm ra mơn mởn. Mùa rau sau sau tuy chưa đến thời điểm rộ, nhưng cũng kịp hóa giải “cơn thèm” của nhiều chị em nội trợ.

Chị Phương Liên ở quận Hoàng Mai chia sẻ: “Tết ăn thịt thà nhiều quá đâm ngấy, bỗng nhớ đến món rau sau sau chấm mẻ. Thèm quá mà hỏi hoài chưa có, chứ mọi năm tầm vài ngày sau Tết là thấy bán rồi. May quá 2 hôm trước bạn ở quê thấy có nên gửi cho một chút, cả nhà làm ngay nồi lẩu cho đã cơn thèm”.

Chị Mai một nhân viên Văn Phòng ở khu vực Cầu Giấy kể: “Bữa rồi thấy có bạn chia sẻ hình ảnh rổ rau sau sau trên Facebook, nhìn những ngọn non mơn mởn kia lại thèm và cố nhờ mua cho bằng được”. Chị Mai từng ăn rau này trong một lần đi lễ ở Lạng Sơn và đến giờ vẫn nhớ cái vị bùi bùi, chát chát của nó, nhất là khi chấm rau với loại nước sốt rất lạ. Mấy năm liền do dịch Covid-19 chị chưa được ăn lại nên lần này quyết tâm tìm mua bằng được. Rất nhiều chị em nội trợ còn bỡ ngỡ với thứ rau rừng này, bởi nó không có nhiều và mùa rau thì rất ngắn, chỉ khoảng 1 tháng là hết, nên họ cũng tò mò muốn ăn thử. Còn những ai đã từng thưởng thức thì bắt đầu lên kế hoạch nhờ mua về để cả gia đình cùng ăn. Vì là rau rừng nên chắc chắn tìm mua sau sau ở chợ Thủ đô là rất khó, chỉ có lên chợ mạng đặt mua mà thôi.

Sau sau là một loại cây thân gỗ thuộc họ phong hương, nó rất giống những cây phong lá đỏ mà Hà Nội từng trồng dọc phố Trần Duy Hưng thời gian trước. Vì là cây thân gỗ nên sau sau khá cao, cây trưởng thành có khi cao hơn 10m, cây lâu năm thì cả vòng tay người ôm cũng không hết. Cứ hễ độ xuân về, khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, chỉ 1 tuần đến 10 ngày sau là những chồi non sau sau màu nâu óng hoặc trắng xanh sẽ bật ra 4 - 5 lá mầm. Đó cũng là lúc bà con đi trèo hái mầm non về làm rau ăn hoặc đem xuống phố bán. Sau sau hầu hết mọc tự nhiên trên vùng đồi núi, ít ai trồng trong vườn nhà. Muốn hái được những ngọn non đem bán, người dân phải vất vả leo trèo khá nguy hiểm. Cây sau sau mọc phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… và đã từ lâu trở thành thứ rau đặc sản.

Cứ vào dịp đầu năm, du khách thập phương đổ về tham quan và đi lễ thì cũng là dịp họ bắt gặp những hàng rau sau sau trải dài các khu chợ. Ấy thế mà vèo một cái, nếu không nhanh thì không còn cọng nào mà mua về làm quà. Đầu xuân vào bất kỳ quán ăn, nhà hàng nào nơi đây, thực khách dễ dàng được mời thưởng thức món rau đặc sản này. Rau sau sau có giá bán khá rẻ, chỉ 5 - 7 nghìn đồng/mớ, rau có màu hơi tím và trắng xanh. Mùa thu đông, những lá già của cây chuyển màu vàng đỏ rực khiến cả khu rừng trông khá đẹp mắt.

Lá rau sau sau có vị chát nhẹ, nhựa có vị ngọt, tính ấm nên có tác dụng trong Đông y chứ không đơn thuần là một loại cây rừng cung cấp thực phẩm. Lá sau sau còn hỗ trợ trong chữa phong thấp, đau nhức xương khớp, trị ho, chảy máu cam, trị mẩn ngứa ngoài da… Vừa là món ăn khoái khẩu, vừa là vị thuốc Đông y, nên sau khi ăn thử rất nhiều du khách mua bằng được dăm mớ về làm quà. Những ai từng ăn sau sau thì lại hóng chờ mùa rau mới bởi nó chỉ xuất hiện rất ngắn vào dịp đầu xuân.

Món ăn khó quên

Những mầm non sau sau thường được ăn như một loại rau sống chứ ít ai đem xào hoặc nấu. Vì là rau rừng được hái trên cao nên chúng khá sạch, chỉ cần rửa qua nước là có thể ăn ngay, không quá cầu kỳ chế biến. Ngoài ra người ta cũng hay dùng khi ăn lẩu nên vẫn gọi là lẩu rau sau sau. Thay vì dùng đủ các loại rau thập cẩm cho một bữa lẩu gia đình, chỉ rần một rổ sau sau đầy chẳng mấy chốc nồi lẩu sẽ hết sạch trong tiết trời se lạnh. Lá sau sau nếu nhìn kỹ sẽ thấy lớp lông tơ mỏng nên khi chấm rất dễ quện nước sốt, càng nhai càng thấy ngọt ngọt, bùi bùi rất lạ.

Sau sau ngon nhất là khi ăn sống chấm với thứ nước sốt đặc biệt chẳng giống bất cứ nơi đâu. Để làm thứ nước sốt này cũng rất cầu kỳ. Đó là hành tím băm nhỏ, phi thơm rồi cho thật nhiều cà chua vào sốt thật nhuyễn. Thêm nước mẻ chua đã lọc, nêm nếm gia vị vừa ăn, cuối cùng là bỏ thêm một hộp thịt hộp vào dầm cho nát. Khi ăn, nước sốt được đổ ra một cái tô lớn, dày để giữ nhiệt, rắc thêm chút tiêu, cắt vài miếng ớt. Vì ăn nóng và rất hao nước chấm nên mỗi khi ăn rau sau sau người ta làm bát nước sốt to bằng cả tô canh.

Gắp một miếng rau, nhúng ngập vào tô nước sốt, rau tái nhẹ đi và quện chút thịt hộp, cứ thế mà thưởng thức. Vị chua dịu của mẻ kết hợp với cái thơm ngậy của thịt hộp làm cho vị chát chát, ngọt bùi của rau càng ăn càng thấy lôi cuốn. Có người lại sử dụng thịt băm sốt nhừ thay vì thịt hộp vì muốn giữ cảm giác nhai miếng thịt tiết ra vị ngọt tươi. Dù cách nào thì một món rau có vị chua chát nhưng hậu vị là sự ngọt ngào cũng dễ làm người ăn chẳng thể quên.

Người Lạng Sơn còn có một loại mẻ chua mà giờ ít người có bởi nó khó làm và dễ bị hỏng. Cỗ Tết người ta lấy một chút canh măng, nước luộc gà, thịt gà, một chút thịt từ xương ninh, cơm nguội… đem đun thật kỹ rồi cứ thể bỏ vào chiếc vại đất ủ cỡ 5 - 7 ngày là có thứ mẻ chua béo ngậy. Để làm được món mẻ chua này đòi hỏi mọi thứ phải thật sạch, người làm phải khéo léo mới ra vị thơm ngon. Thứ mẻ chua ấy khi làm sốt chấm rau sau sau thì thực sự rất ngon. Tuy vậy, ngày nay với sự tiện dụng, chủ yếu người ta mua mẻ trắng bán sẵn ở chợ để hợp với số đông.

Tầm tháng 3 Âm lịch, khi hết mùa lá non, rau sau sau già đi, người dân còn sử dụng nó chế biến món xôi đen. Những lá sau sau già sẽ được giã rồi ủ theo cách riêng rồi đồ cùng gạo nếp sẽ cho những hạt xôi đen nhánh.

Những mầm non sau sau thường được ăn như một loại rau sống chứ ít ai đem xào hoặc nấu. Vì là rau rừng được hái trên cao nên chúng khá sạch, chỉ cần rửa qua nước là có thể ăn ngay, không quá cầu kỳ chế biến. Ngoài ra người ta cũng hay dùng khi ăn lẩu nên vẫn gọi là lẩu rau sau sau. Thay vì dùng đủ các loại rau thập cẩm cho một bữa lẩu gia đình, chỉ rần một rổ sau sau đầy chẳng mấy chốc nồi lẩu sẽ hết sạch trong tiết trời se lạnh.