Theo tờ trình mới nhất của Bộ Công an về Dự án Luật Cảnh vệ sửa đổi, Điều 11 và Điều 12 Luật Cảnh vệ không tách biệt giữa biện pháp và chế độ Cảnh vệ dẫn đến không xác định được đâu là chế độ mà đối tượng cảnh vệ được hưởng, đâu là biện pháp cảnh vệ mà lực lượng Cảnh vệ phải thực hiện.
Một số biện pháp, chế độ cảnh vệ hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang thực hiện nhưng nội dung của các biện pháp chưa quy định trong luật, như biện pháp bảo vệ tiếp cận; vũ trang tuần tra canh gác; kiểm tra an ninh, an toàn; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống, kiểm tra an ninh, kiểm soát người, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực, địa điểm tổ chức các sự kiện đặc biệt quan trọng…
Về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ và điều kiện bảo đảm thực hiện công tác cảnh vệ, để triển khai thực hiện hiệu quả công tác cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ phát hành thẻ, phù hiệu để triển khai thực hiện, đây là một trong những biện pháp được lực lượng Cảnh vệ chủ trì thực hiện hiệu quả trong triển khai các kỳ, cuộc bảo vệ đối tượng cảnh vệ trong nước và nước ngoài.
Đặc biệt, khi triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ tại địa bàn nước ngoài, đối với những quốc gia không cùng thể chế chính trị hoặc do pháp luật của nước sở tại quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ chưa có sự tương đồng với pháp luật Việt Nam, lực lượng Cảnh vệ phải thuê lực lượng, phương tiện để đảm bảo an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ.
Do vậy, cần cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong thực hiện công tác cảnh vệ, như Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ; Trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
Để triển khai thực hiện công tác cảnh vệ được nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, sĩ quan cảnh vệ được quyền sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt liên quan đến quyền con người, quyền công dân; tuy nhiên Luật Cảnh vệ năm 2017 chưa quy định cụ thể việc sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt. Điều này phải được cụ thể hóa trong Luật để thống nhất thực hiện.
Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ, lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng". Quy định trên chưa phù hợp với khoản 2 Điều 18 Luật Công an nhân dân.
Thực tế cho thấy, ngoài lực lượng Cảnh vệ ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội còn có cán bộ, chiến sĩ Công an các địa phương, các quân khu, quân chủng tham gia thực hiện công tác cảnh vệ, nhất là ở các địa phương trọng điểm, có nhiều hoạt động của đối tượng cảnh vệ.
Song do Luật quy định lực lượng Cảnh vệ chỉ tổ chức ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục Bảo vệ an ninh Quân đội nên Bộ trưởng các Bộ Công an và Quốc phòng không có căn cứ để bố trí cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác theo thẩm quyền nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Việc bố trí cán bộ, chiến sĩ làm công tác cảnh vệ ở Công an các địa phương, quân khu, quân chủng căn cứ trên cơ sở tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã được duyệt nên không làm tăng biên chế cũng như không làm phát sinh tổ chức bộ máy mới trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.