Bình ổn giá chưa ổn

ANTĐ - Đánh giá Chương trình bình ổn giá đã được triển khai rộng khắp ở TP.HCM, Hà Nội và nhiều đô thị trong cả nước, Hội nghị vừa được hai Bộ Công Thương và Tài chính tổ chức đã khẳng định hiệu quả, cũng như những lo lắng và quan ngại về tính thiết thực của nó. Bình ổn giá cho người giàu hay cho người nghèo? Có nên tiếp tục chi hàng trăm tỷ đồng của ngân sách để bình ổn giá và giá có thực sự “ổn” không? Những câu hỏi này cần có câu trả lời thỏa đáng.

Mục tiêu bình ổn giá như đúng tên gọi là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm giúp người dân đảm bảo cuộc sống tương đối ổn định trong tình hình lạm phát, giá cả thị trường không ổn định, an sinh xã hội khó đảm bảo. Được kỳ vọng là “liều thuốc bổ” hỗ trợ cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong thời buổi kinh tế khó khăn, đương nhiên người thu nhập trung bình và thấp, đặc biệt là những người lao động, người nghèo hồ hởi trông đợi vào chương trình này.

Bộ Tài chính cho biết, vì vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, kinh phí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất 0% chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng mức lưu chuyển hàng hóa, bình ổn, từ đó hạn chế tác dụng bình ổn giá thị trường. Nhiều địa phương, điểm bán hàng bình ổn chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, trong khi người thu nhập thấp và người nghèo lại quy tụ ở nông thôn, vùng sâu và xa nên ít may mắn được hưởng bình ổn giá. Do giá bán hàng bình ổn phải thấp hơn giá thị trường 5-10%, vô hình trung tạo thành cơ chế hai giá. Đây chính là kẽ hở cho tư thương luồn lách đầu cơ, mua đi bán lại hưởng chênh lệch giá, có thời điểm tạo ra khan hiếm hàng hóa giả tạo.

Hơn thế, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện bán hàng bình ổn đúng giá cam kết hoặc đăng ký giá kịp thời theo diễn biến giá thị trường không đến nơi đến chốn, nên có lúc có nơi giá bán hàng bình ổn lại cao hơn giá ngoài thị trường. “Sứ mệnh” bình ổn giá cả thị trường quả thực khá nặng nề. Tại Hà Nội, chương trình bình ổn giá đã được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011 với số tiền tương ứng là 50 tỷ đồng, 150 tỷ đồng, 200 tỷ đồng và 475 tỷ đồng. Năm 2012 đang tiếp tục “bình ổn” với số tiền còn lớn hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thừa nhận, mục tiêu rất hay nhưng không có tác dụng dẫn dắt thị trường. Hàng bình ổn giá chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường, còn lại 80% do các chợ truyền thống “bình ổn”. Thử đến một trong hơn 650 điểm bán hàng bình ổn giá ở các chợ, khu công nghiệp hoặc siêu thị, mới thấy người tiêu dùng kém “vồ vập”. Theo các chuyên gia, nếu không khéo chương trình tạo ra cơ chế bao cấp giữa doanh nghiệp được tham gia bình ổn và doanh nghiệp không tham gia. Chín nhóm hàng được bình ổn chưa phù hợp nhu cầu cuộc sống bởi hầu hết người dân đều mua ngoài chợ cho tươi sống.

Bình ổn giá có ổn không, nếu kiểm soát, giám sát đăng ký giá, kê khai giá không chặt chẽ? Hàng bình ổn giá chủ yếu phục vụ người thu nhập khá, hướng đến người giàu, chưa thực sự đến với người thu nhập thấp, người nghèo, thì rõ ràng chưa thể gọi là... ổn.