Dự thảo NĐ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ:

Biện pháp mạnh là hoàn toàn cần thiết

ANTĐ - Chống người thi hành công vụ là hành vi không thể chấp nhận, và hành vi đó nhất quyết phải bị xem xét, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Tinh thần này đã được cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, do Bộ Công an soạn thảo, trên cơ sở tập trung ý kiến, quan điểm của các Bộ, ngành liên quan.

Việc cho ra đời những quy định về biện pháp ngăn chặn hành vi chống đối là cần thiết khi tình trạng coi thường pháp luật của nhiều công dân gia tăng mạnh

90% số vụ chống lại lực lượng công an

Theo Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến rất phức tạp, với tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao, ở hầu khắp các địa phương, trên rất nhiều lĩnh vực, nhất là trong các lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý và bảo vệ rừng, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, đấu tranh phòng chống tội phạm... Từ năm 2002 đến tháng 6-2012, trên cả nước xảy ra hơn 8.500 vụ với trên 13.700 đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý hình sự gần 6.900 vụ với hơn 11.000 đối tượng. Trong đó, trên 90% số vụ chống lại lực lượng công an, chủ yếu trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT, trật tự công cộng, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tội phạm ma túy và giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự ở cơ sở.

“Tình trạng chống người thi hành công vụ thể hiện ý thức coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ những người có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì kỷ cương phép nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ”, Ban soạn thảo Nghị định nhấn mạnh, đồng thời xác định nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có quy định đầy đủ của pháp luật về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý. 

Tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật

Nghiên cứu kỹ nội dung Dự thảo, Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh - TP Hà Nội nhận xét, bản dự thảo Nghị định của Bộ Công an đã cụ thể hóa các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Đặc biệt là việc xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ. Luật sư Dũng nhìn nhận: “Bản Dự thảo được xây dựng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa có tính chất răn đe, giáo dục các trường hợp chống người thi hành công vụ, song cũng hết sức quyết liệt và cần thiết đối với hành vi này”.

Trao đổi về quan điểm cũng như xuất phát điểm xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo) cho biết, các quy định của dự thảo được đưa ra để bảo vệ người thi hành công vụ nhưng vẫn đảm bảo về mặt nguyên tắc không cho người thi hành công vụ lợi dụng quyền hạn của mình để xâm phạm trái pháp luật quyền lợi hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. “Tại dự thảo Nghị định đã quy định rõ những hành vi nghiêm cấm đối với người thi hành công vụ”, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Công an nhấn mạnh.

Cũng theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ được xây dựng bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật xử lý hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan về đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, tạo cơ sở pháp lý góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. “Dự thảo Nghị định luôn tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do hành vi chống người thi hành công vụ gây ra”, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Công an nêu rõ.

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo, về việc người thi hành công vụ có thể nổ súng đối với những trường hợp cố tình chống đối, có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, từ trước đến nay, việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ đã có quy định tại Pháp lệnh về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Nghị định chỉ cụ thể hóa các quy định trong đó và không có điều nào trái pháp lệnh. “Quan điểm của Ban soạn thảo là người thi hành công vụ phải chủ động, không thể chờ đợi khi hành vi nguy hiểm xảy ra mới xử lý thì đã muộn”, lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định. Ngoài biện pháp nổ súng, dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể các trường hợp, trong đó có quyền bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ hoặc hung khí (nếu có) và phải thực hiện theo quy định của pháp luật. 

Răn đe tội phạm, bảo vệ công an

Là người thường xuyên đọc báo, tôi thấy ngày càng xảy ra nhiều vụ việc đối tượng vi phạm Luật Giao thông chống đối, thậm chí hành hung, gây thương tích cho cảnh sát. Thái độ hống hách, coi thường pháp luật xảy ra ngày càng nhiều, là do luật của chúng ta chưa nghiêm, lực lượng thực thi pháp luật chưa đủ “quyền”, công cụ chưa đủ “mạnh” để tự vệ, trấn áp các đối tượng. 

Trong bối cảnh tội phạm ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp, chúng sẵn sàng chống trả, mạng đổi mạng với lực lượng thi hành công vụ, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất “trao quyền” cho cảnh sát được nổ súng, trong trường hợp họ bị tội phạm, đối tượng côn đồ hung hãn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe. Việc này chẳng những góp phần răn đe tội phạm, quan trọng hơn còn bảo vệ tính mạng của lực lượng công an. 

(Ông Trịnh Ngọc Điển, 65 tuổi, ở 713 La Thành, Hà Nội)
Cần tập huấn, ban hành nội quy sử dụng súng

Thực tế hàng ngày cho thấy, đang có một bộ phận thanh thiếu niên coi thường kỷ cương, vi phạm luật giao thông, lao xe vào cảnh sát, cầm hung khí rượt đuổi, lăng mạ, đe dọa, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ. Nhiều loại tội phạm khi giáp mặt cảnh sát sẵn sàng rút dao kiếm tấn công, dùng súng bắn trả hòng thoát tội. Trong những tình huống nguy hiểm, chỉ diễn ra trong giây lát ấy, tôi ủng hộ lực lượng thực thi nhiệm vụ nổ súng, bắn đối tượng. Thời điểm sống còn mà chờ rút súng bắn chỉ thiên, đối tượng hung hãn đã tấn công xong lực lượng ta rồi.

Để Nghị định này được nhân dân ủng hộ, theo tôi, ngoài việc tuyên truyền rộng rãi, Bộ Công an cần tập huấn, ban hành các quy định về sử dụng súng, tránh trường hợp lực lượng thực thi nhiệm vụ nổ súng khi chưa cần thiết.

(Ông Phùng Văn Giao,65 tuổi, ở 101 A6 Tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)
Xử lý tình huống khi có hành vi chống người thi hành công vụ 


1. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ có dấu hiệu của một tội phạm ít nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện kỹ thuật được trang bị để khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

2. Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.

(Trích Điều 18 - Dự thảo NĐ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ)