Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (2)

ANTĐ - Với ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung, từ bao đời nay Hoàng Sa, Trường Sa đã là ngư trường đánh bắt truyền thống, là nơi mà họ thực hiện quyền làm chủ và ý thức, trách nhiệm trước tổ tiên, dân tộc.

NGƯ TRƯỜNG TRUYỀN THỐNG

Trong lần tác nghiệp của mình, chúng tôi may mắn được đến thăm nhiều ngôi làng có hàng chục thế hệ gắn bó với nghề biển ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Những “mùa đại tang” (thường là mùa mưa bão ngư dân gặp nạn trên biển), nghĩa địa cá voi và lễ hội cúng “thần biển” của ngư dân nơi đây luôn đọng lại những dấu ấn sâu sắc. Từng câu chuyện, mảnh đời ở biển như một lát cắt khẳng định ý chí can trường, thiêng liêng mà rất đỗi chân thành.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (2) ảnh 1
Mới trở về từ biển Hoàng Sa hồi tháng 10-2010, 2 tháng sau “kình ngư” Nguyễn Đảng lại mất tích

Bên chén rượu nồng cùng “sói biển” Mai Phụng Lưu vào tối 16-7-2011, chúng tôi vẫn nhớ câu nói “chắc như đinh đóng cột” của anh: “Những tai họa, hiểm nguy rình rập trên vùng biển Hoàng Sa mà ngư dân tụi tui phải đương đầu hàng ngày thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu hết được. Nhưng dù thế nào đi nữa, tụi tui vẫn cứ đi bởi Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt truyền thống từ bao đời nay của cha ông tui. Hoàng Sa gần đây lắm, làm sao mà không đi cho đặng, là một phần của quê hương Việt Nam mà...”.

Hiện vợ chồng “sói biển” Mai Phụng Lưu có bốn người con thì có hai người (một trai, một rể) sắp tới theo cha dong thuyền ra biển Hoàng Sa đánh bắt. Anh trầm ngâm: “Trong vòng 10 năm qua đã có hàng ngàn ngư dân Việt Nam (chủ yếu là ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi) đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa bị bão tố hoặc tàu nước ngoài bắt giữ. Trong số ấy có nhiều người phải bỏ mạng thật bi thương”.

Nói rồi, anh lấy luôn một ví dụ khác ngoài bản thân mình vừa bị phía Trung Quốc bắt giữ trái phép: Ngày 23-3-2009, tàu QNg-50362 (công suất 70 CV) chở  12 ngư dân do ông Tiêu Viết Là (ở huyện Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng đang đánh bắt cách đảo Phú Lâm 4 hải lý về phía nam thì bị tàu tuần tra của Trung Quốc bắt giữ và đòi tiền chuộc mỗi người 150 triệu đồng. Đây là lần thứ ba trong vòng 5 năm (từ 2005-2010), tàu của thuyền trưởng Tiêu Viết Là bị phía Trung Quốc bắt giữ.

“Những năm gần đây, việc ngư dân Việt Nam đang hành nghề trên vùng biển gần các đảo Phú Lâm, Hai Trụ, Bom Bay, Tri Tôn (những hòn đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam) bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt giữ rồi đòi tiền chuộc xảy ra như cơm bữa. Điều này thật vô lý, bởi từ xưa đến nay Hoàng Sa là vùng biển đánh bắt truyền thống của cha ông chúng tôi, là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên ngư dân Việt Nam có quyền khai thác. Nếu họ cố tình ngăn cản, xâm phạm hay bắt bớ ngư dân Việt Nam tức là phạm luật... Dù khó khăn đến mấy đi nữa, chúng tôi vẫn bám biển mưu sinh và tiếp tục khuyến khích con cháu thế hệ sau ra biển Hoàng Sa đánh bắt bằng mọi cách” - “sói biển” Mai Phụng Lưu khẳng định.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (2) ảnh 2
Niềm vui, nụ cười ngày đoàn tụ

Trong suốt buổi nói chuyện, điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất ở “sói biển” chính là nỗi đau khôn nguôi, ý chí sắt đá và sự chịu đựng phi thường của anh. Dù bao người thân, đồng nghiệp đã chết hoặc mất tích trên vùng biển Hoàng Sa do thiên tai. Dù tàu của anh đã bị phía Trung Quốc hiếp đáp, bắt giữ bốn lần lúc đang đánh bắt trên vùng biển từ bao đời nay của cha ông. Dù hiện tại gia đình anh đang chịu cảnh khánh kiệt, nợ nần chồng chất nhưng anh vẫn giữ được sự bình tĩnh, can trường và quyết tâm sắt đá.

Trước lúc chia tay, Mai Phụng Lưu chỉ vào một gốc cây mà lâu nay anh vẫn gìn giữ như một báu vật trong nhà rồi bộc bạch: “Đây chính là cây phong ba, gốc cây duy nhất mà tôi mang về từ vùng biển Hoàng Sa năm ngoái. Sắp tới ra đó lại, tôi sẽ mang về thật nhiều cây nữa để  kỷ niệm cho mấy chú”. 

Với ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung, từ bao đời nay Hoàng Sa, Trường Sa đã là ngư trường đánh bắt truyền thống, là nơi mà họ thực hiện quyền làm chủ và ý thức, trách nhiệm trước tổ tiên, dân tộc. 

Sáng 17-7-2011, trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Sắp tới ngư trường chính mà anh và những đồng nghiệp của mình hướng đến là vùng biển nào?”, anh Nguyễn Quốc Nam (46 tuổi, trú xã An Hải, huyện Lý Sơn) - người đã có trên dưới 30 năm gắn với nghề biển khẳng định chắc nịch: “Thì Hoàng Sa và Trường Sa chứ đâu nữa chú. Nơi ấy tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi đã quen rồi. Chúng tôi nguyện sẽ đoàn kết, sát cánh cùng nhau để kiếm được con cá, con tôm, con mực và giữ vững từng tấc đất của tổ tiên”.

Không chỉ có “sói biển” Mai Phụng Lưu, Nguyễn Quốc Nam, Tiêu Viết Là, Nguyễn Văn Hưởng... mà vô số ngư dân trên huyện đảo Lý Sơn đang ngày đêm nung nấu ý chí, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, hiểm nguy, gian khổ ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Họ là lớp người lao động Việt Nam bình dị, chân chính, nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Vì gia đình, vì miếng cơm manh áo và đặc biệt là vì ý thức được tiếng  gọi của tổ tiên, dân tộc, họ sẵn sàng đánh đổi mồ hôi, nước mắt trộn lẫn máu.

NỖI NIỀM “HẬU PHƯƠNG”

Nếu như đi biển phải đối mặt với bao sóng gió, hiểm nguy là công việc của đàn ông thì những người mẹ, người vợ, người chị mất chồng, mất con ở huyện đảo Lý Sơn cũng rất đáng khâm phục. Bởi họ là những “người phụ nữ góa phụ nhưng không bao giờ tái hôn” và có một sức sống mạnh mẽ, can trường chưa từng có.

Chiều 17-7-2011, tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Xí - vợ ông Nguyễn Đảng (người được mệnh danh là “kình ngư” trên biển Đông) bị mất tích trên biển Hoàng Sa hồi tháng 12-2010.

Nhớ đến chồng, bà Xí ứa nước mắt: “Ông Đảng năm nay 70 tuổi thì đã có trên 50 năm gắn bó với nghề biển Hoàng Sa. Hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi được phía Trung Quốc thả về cùng 9 ngư dân trên tàu QNg 66478-TS của “sói biển” Mai Phụng Lưu, ông ấy ở nhà được gần 2 tháng rồi lại theo tàu QNg 66192 cùng 6 ngư dân khác do anh Lê Minh Tân ở xã An Hải làm thuyền trưởng ra Hoàng Sa đánh bắt. Và từ đó đến nay... không thấy về nữa”. Nói xong, bà Xí đến bên bàn thờ chưa đặt di ảnh của chồng (vì còn hy vọng ông Đảng sẽ trở về - PV) thắp lên một nén hương rồi cúi đầu, chắp tay khấn.

Buổi chiều, căn nhà của mẹ con góa phụ bất hạnh thật quạnh quẽ, buồn đến nao lòng. Không gian và lòng người như hòa lẫn vào nhau cùng mang một tâm trạng. Dùng khăn chấm vội những giọt nước mắt, bà Xí nói trong nỗi đau: “Mấy bộ quần áo cũ của ông Đảng tui đã giặt sạch sẽ và cất cẩn thận vào rương rồi chú ạ. Nay mai hy vọng ông ấy trở về còn có mà mặc...”.

Biển Đông, nơi khẳng định ý chí Việt (2) ảnh 3
Bất kể ngày mưa hay nắng, nhiều người phụ nữ bất hạnh miền biển Quảng Ngãi vẫn phải lăn lộn, đánh vật với cuộc sống

Sau khi chồng mất tích, dù phải gánh chịu nỗi đau đến tột cùng nhưng vì gia đình, người phụ nữ góa phụ bất hạnh vẫn đứng dậy bám biển mưu sinh. Hàng ngày, mỗi lúc thủy triều xuống làm con ốc, cây rau câu nằm trơ mình trên cát, bà Xí lại cùng đứa con gái chưa đầy 7 tuổi của mình mang rổ ra lượm lặt đem về bán mua gạo.

Tâm sự cùng chúng tôi, bà Xí cho biết: “Sáu tháng trôi qua kể từ ngày chồng mất tích trên biển Hoàng Sa, mặc dù các cấp chính quyền và nhân dân trên mọi miền đất nước đã dành cho gia đình tui rất nhiều sự hỗ trợ nhưng đó cũng chỉ chia sẻ được phần nào sự mất mát, đau thương. Nỗi buồn, khó khăn vẫn còn đó nhưng vì trách nhiệm của người mẹ đối với đứa con thơ, vì truyền thống của người phụ nữ ven biển, tui vẫn phải tiếp tục sống tốt, sống khỏe để bám biển”.   

Nỗi đau chồng mất tích trên biển Hoàng Sa cộng với lo lắng vì nợ nần chồng chất và bệnh thấp khớp tuổi già hành hạ, hiện tại sức khỏe của bà Xí yếu dần. Gia đình bà đang lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sắp tới vào mùa biển động, rất có thể gia đình góa phụ nghèo đói này sẽ rơi vào ngõ cụt, đứa nhỏ mới bảy tuổi sẽ không được cắp sách đến trường. 

Cùng nỗi đau như bao người phụ nữ khác có chồng đi biển gặp nạn nhưng hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Quý (31 tuổi, trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) thật đặc biệt. Chồng chị là ngư dân Tu Thanh Sơn (34 tuổi), vào năm 2007, trong một lần dong thuyền ra biển Hoàng Sa đánh bắt đã bị tàu hải quân Trung Quốc xả súng bắn bị thương. “Viên đạn bữa đó đã phá vỡ xương chân anh ấy, nay thanh inox định hình xương vẫn chưa thể tháo ra. Những lúc trái gió trở trời, thấy anh ấy vật vã quằn quại trong đau đớn mà tui rơi nước mắt” - chị Quý tâm sự.

Vì phải dồn hết tiền bạc chữa trị cho chồng lâm nạn nên nhiều năm nay, gia đình chị Quý rơi vào hoàn cảnh nghèo đói nhất xã Bình Hải. Hiện anh chị và một đứa con chưa đầy 4 tuổi bị suy dinh dưỡng đang phải sống trong một căn nhà tranh dột nát đã ba lần bị bão xé toang.

Rời gia đình chị Quý khi cơn mưa giông buổi chiều ập đến, chúng tôi vẫn mang theo niềm hy vọng mơ hồ của người phụ nữ trẻ bất hạnh: “Không biết sắp tới sau khi rút cái nẹp sắt trong chân ra, anh ấy có đi biển lại được nữa không? Nếu được, vợ chồng sẽ cố gắng chắt chiu để cho đứa nhỏ đến trường ăn học như chúng bạn và dư nữa thì xây một căn nhà nhỏ để tránh gió bão”.

Bất kể ngày mưa hay nắng, hàng trăm người phụ nữ bất hạnh miền biển Quảng Ngãi vẫn phải lăn lộn, đánh vật với cuộc sống. Họ luôn cố gắng để hoàn thành tốt trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con dâu, là trụ cột gia đình, chỗ bấu víu duy nhất cho những niềm hy vọng còn lại. Khi ánh bình minh bừng sáng trên cửa biển, trong ánh mắt đợi chờ khắc khoải của họ vẫn ánh lên niềm tin nhỏ nhoi, rằng ngày mai... ngày mai... chồng sẽ quay về.

(Còn tiếp)