Bi kịch người giàu

(ANTĐ) -Ông bà Định giở khóc giở cười khi nghe thằng Đại tuyên bố cưới vợ. Nó mới 19 tuổi, vừa học xong trung học phổ thông. Gọi là học chứ nó có đụng đến sách vở gì đâu. Ông Định phải chạy vạy các cửa mới lấy được cho nó mảnh bằng tốt nghiệp để giữ thể diện cho gia đình.

Bi kịch người giàu

(ANTĐ) -Ông bà Định giở khóc giở cười khi nghe thằng Đại tuyên bố cưới vợ. Nó mới 19 tuổi, vừa học xong trung học phổ thông. Gọi là học chứ nó có đụng đến sách vở gì đâu. Ông Định phải chạy vạy các cửa mới lấy được cho nó mảnh bằng tốt nghiệp để giữ thể diện cho gia đình.

Thời buổi người khôn của khó, đến học đại học còn khó lập nghiệp huống hồ là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Kể từ lúc đó, nó bỏ hẳn sách vở, lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.

Khi nó đưa về nhà cô gái mà nó bảo sẽ cưới làm vợ, ông bà càng buồn hơn. Ai đời lần đầu ra mắt mà ăn mặc để ông bà Định phải nhăn mặt bởi chiếc áo siêu mỏng cổ khoét sâu và cái váy ngắn cũn cỡn. Cô ta tự do đi lại trong nhà, mở tủ lạnh lấy chai nước mát, ngửa cổ tu ừng ực rồi ngồi lên thành ghế sopha, vắt chân chữ ngũ nói chuyện với bố mẹ chồng tương lai. Theo lời thằng Đại giới thiệu, cô ta tên là Lan, nhân viên một cửa hàng bán thời trang, nhà ở tỉnh ngoài và hơn nó 3 tuổi. Chưa hết, trong bụng cô ta còn có một hình hài hai tháng tuổi là con thằng Đại. Vậy là nó dồn bố mẹ đến chân tường, đành tặc lưỡi cho nó lấy vợ. Người ta cưới vợ cho con thì mát mày mát mặt, chứ ông bà Định làm đám cưới cho thằng Đại chắc sẽ bị thiên hạ cười cho thối mũi. Gia đình có địa vị, ai ngờ lại rước về nhà một con đàn bà nạ dòng như thế.

Ông Định là Chủ tịch Hội đồng quản trị một Tổng công ty có tiếng tăm trong thành phố. Thực ra, ông không tài năng đến thế, nhưng ai cũng biết, ông rất giỏi ngoại giao nên đường công danh của ông luôn có người chống lưng. Từ một anh lái xe vận tải cho một doanh nghiệp tư nhân, ông bỗng gặp thời, lên như diều gặp gió. Cùng với đó là tiền bạc chảy vào nhà. Rồi những chuyến công cán ở nước ngoài, những buổi tiệc tùng, những hợp đồng kinh tế hàng triệu “đô”. Báo chí bắt đầu dùng những mỹ từ để ca ngợi ông như một nhân tố điển hình của sự năng động, dám nghĩ dám làm và bất chấp mọi thử thách để gặt hái những thành công.

Vào lúc sự nghiệp bắt đầu hé mở, ông bỏ người vợ quê mùa để lấy vợ hai và thằng Đại là kết quả của mối tình chóng vánh đó. Kể từ ngày ly hôn với vợ cả, hầu như ông không có liên lạc gì với họ. Dù người đàn bà và hai đứa con sống nghèo túng trong một căn hộ tập thể cũ kỹ trong khi ông tiền nhiều như nước, nhưng tuyệt nhiên, chẳng bao giờ ông ghé thăm hoặc hỗ trợ cho họ. Những người nghèo khó thường có lòng tự trọng. Người đàn bà ấy đã làm tất cả những gì có thể để nuôi dạy hai đứa con nên người. Cả hai đã tốt nghiệp đại học và có thể tự lập cuộc sống cho mình. Với một người mẹ, đó không chỉ là niềm hãnh diện, tự hào mà như một quan hệ nhân quả, nó là sự bù đắp cho tất cả những nỗ lực của bà suốt những năm tháng tuổi trẻ.

Còn thằng Đại, nó sinh ra và lớn lên trong nhung lụa, không hề biết đến sự thiếu thốn. Mọi yêu cầu của nó được đáp ứng nhanh chóng như trở bàn tay, nó hư hỏng cũng là lẽ đương nhiên.

Về nhà chồng được mấy tháng thì Lan sinh con. Một bé trai bụ bẫm, xinh xắn giống thằng Đại như tạc. Bà Định thuê hai ôsin để phục vụ con dâu và cháu đích tôn. Được cái thằng bé rất dễ nuôi, lớn nhanh và hầu như không đau ốm gì.

Dù gia đình nhà chồng không hề khó khăn, nhưng khi con được 3 tháng tuổi, Lan nằng nặc xin đi làm. Đó là cái cớ để cô ra ngoài chơi bời đàn đúm với bạn bè vì như lời cô nói, suốt ngày ở nhà nhìn mấy người đàn bà với trẻ con thì sống cũng chán. Giữ thế nào cũng không được, cuối cùng ông bà Định đành phải để con dâu đi làm.

Lan thuê một ngôi nhà mặt phố khá rộng ở trung tâm thành phố rồi bán thời trang cao cấp. Cô thuê 4 người bán hàng, cuối ngày đến kiểm tra sổ sách, tiền nong còn cả ngày cô bỏ cửa hàng đi đâu thì có trời mới biết.

Từ ngày có vợ con, Đại vẫn là một đứa trẻ trong hình hài người lớn. Nó vẫn đi chơi tối ngày, la cà trong các quán cà phê rồi nhậu nhẹt, cờ bạc. Quan hệ giữa nó và vợ bắt đầu rạn nứt khi ông bà Định tối tối lại nghe thấy hai đứa cãi nhau dưới tầng một. Không bên nào chịu nhường bên nào và khi những cuộc cãi nhau không đến hồi kết, thằng Đại còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Cô vợ cũng không vừa, vớ được thứ gì là ném vào người nó.

Khi đứa con được một tuổi, hai người ly hôn.

Dù không hề có trách nhiệm gì với con nhưng Lan vẫn đòi quyền nuôi con. Cô biết pháp luật luôn bảo vệ cô trong việc này nên dù ông bà Định và Đại nằn nì, thuyết phục, Lan một mực ôm đứa trẻ đi theo. Để cháu không phải sống khổ, ông Định mua cho Lan một tòa nhà 4 tầng và hàng tháng chu cấp cho cô một khoản tiền. Vậy là mục đích của cô đã đạt được, vẫn có tiền tiêu, không phải đụng tay vào việc gì và chỉ cần cô bấm máy gọi về cho ông bà nội nói thằng cháu đích tôn của họ đang hắt hơi xổ mũi là cô biết, họ sẽ lo quýnh lên và viện trợ khẩn cấp cho cô.

Lòng tham của con người không có giới hạn và mọi việc rồi cũng vào hồi kết. Lan lấy thằng cháu nội ra để moi tiền, ông bà Định biết cả nhưng cố ngậm bồ hòn làm ngọt, miễn sao cháu của ông bà được khỏe mạnh. Nhưng đến khi Lan đưa ra yêu sách, rằng cần một ngôi nhà rộng hơn, có vườn phía trước hoặc sau nhà để thằng bé có chỗ chạy nhảy mỗi khi đi học về thì ông bà Định không thể chịu đựng nổi. Chính ông là người tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận đề nghị này và thuê luật sư để đòi quyền nuôi con cho thằng Đại.

Với một người có quyền và nhiều tiền như ông, việc đó đâu khó khăn gì. Chẳng qua lúc đứa bé còn nhỏ, ông không muốn làm to chuyện. Còn lúc này, thằng bé đã lớn và những yêu sách của cô con dâu trước đây trở nên quá đáng buộc ông phải xử sự như vậy.

Nhiều người khi nghe câu chuyện trên chỉ chép miệng thở dài. Quyền lực và tiền bạc đâu phải đã mang lại hạnh phúc cho con người. Vả lại, quyền lực rồi cũng mất, tiền tiêu mãi cũng sẽ cạn. Chỉ có tình cảm giữa con người với con người là bền vững, mà những điều này thì lại không thể mua được bằng tiền.

Còn những người đàn bà bị cuốn vào vòng xoáy của cám dỗ, họ luôn tìm niềm vui cho mình không phải từ gia đình đến một lúc nào đó cũng mệt mỏi, trỗng rỗng. Họ cứ việc sống với ham muốn của mình, nhưng xin đừng sinh ra đứa trẻ nào bởi những đứa trẻ ấy sẽ là nạn nhân đầu tiên của họ, chúng sẽ sống trong ngôi nhà lạnh lẽo và ai dám khẳng định chúng sẽ khôn lớn, trưởng thành?

Mạnh Hùng