Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo 3 dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng cần nhập viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số bệnh nhi mắc tay chân miệng ở Hà Nội đang gia tăng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo một số dấu hiệu mà nếu trẻ mắc bệnh thì cần đưa đi khám càng sớm càng tốt…
Bác sĩ BV Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân tay chân miệng

Bác sĩ BV Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhân tay chân miệng

Trước tình hình số ca mắc tay chân miệng ở Hà Nội gia tăng nhanh, ghi nhận một số chùm lây nhiễm ở trường học, Bệnh viện Nhi trung ương cảnh báo, bệnh tay chân miệng đang vào mùa.

Tính riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện này, từ đầu năm 2023 đến nay, có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do mắc tay chân miệng. Chỉ tính riêng từ ngày 13 đến 29-3, có 37 trường hợp mắc tay chân miệng nhập viện.

Hầu hết ca bệnh diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi trung ương, cao điểm của bệnh là từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9 hằng năm.

Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như: Niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Các biến chứng nguy hiểm là biến chứng thần kinh (như viêm não, viêm màng não); biến chứng tim mạch hô hấp: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch.

Về đường lây của bệnh, Bệnh viện Nhi trung ương lưu ý, bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ ở nốt phỏng nước trên da, niêm mạc…

Khi nhiễm virus, giai đoạn ủ bệnh khoảng từ 3 đến 7 ngày. Tiếp đến là giai đoạn khởi phát bệnh từ 1-2 ngày với triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3-10 ngày với triệu chứng điển hình là loét miệng, phát ban dạng phỏng nước.

Bệnh viện Nhi trung ương đưa ra 3 dấu hiệu trẻ cần nhập viện, tránh bệnh trở nặng. Đầu tiên là trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị. Trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 tiếng đồng hồ và thuốc hạ nhiệt paracetamol không có tác dụng. Dấu hiệu thứ hai là trẻ giật mình nhiều. Thứ ba là trẻ quấy khóc dai dẳng.

Cũng theo Bệnh viện Nhi Trung ương, khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm, càng tốt để xác định mức độ bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Để phòng bệnh cho trẻ, cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, ăn uống hợp vệ sinh, thường xuyên lau rửa các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh.