Bệnh nhân ngộ độc rượu tăng mạnh

ANTD.VN - Thời điểm cuối năm, giáp Tết, các bệnh lý về đường tiêu hóa do ăn uống, ngộ độc thực phẩm và tai nạn do rượu bia bao giờ cũng gia tăng mạnh. 

Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, số bệnh nhân vào cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu bia hoặc tai nạn do nguyên nhân sử dụng rượu bia đã tăng mạnh. Đặc biệt, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân nam 47 tuổi tử vong do ngộ độc rượu. 

Bệnh nhân ngộ độc rượu tăng mạnh ảnh 1Bệnh nhân ngộ độc rượu đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc

Ngày nào cũng có bệnh nhân cấp cứu

Trường hợp vừa tử vong ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai là ông N.Đ.T, ở Thạch Thất (Hà Nội). Ông T được người thân đưa đến bệnh viện gần nhà, rồi được chuyển đến cấp cứu sau khi đã uống rượu liên tiếp trong 3-4 ngày liền bởi tham dự đám cưới và uống ở nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân N.Đ.T đến trung tâm trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu bệnh nhân lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol). Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, nhưng số nhập viện thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, thông thường tăng 2-3 lần.

Đáng chú ý, tại một số bệnh viện, trong số các bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện thời điểm này thì chiếm tới 70% là số ca viêm tụy cấp do rượu. TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia cũng tăng hơn so với các dịp khác”. 

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, nếu uống nhiều rượu một lúc sẽ dẫn đến ngộ độc rượu cấp, nhất là việc sử dụng rượu kém chất lượng có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng như hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm tụy cấp, nếu uống nhiều nữa sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa... Ngoài ra có rất nhiều biến chứng khác liên quan đến rượu bia. 

Theo bác sĩ Đào Xuân Cơ, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp bị viêm tụy cấp, tổn thương phổi, gan, suy gan, trụy mạch, rối loạn đông máu… do uống rượu, bia quá nhiều. “Có những người khi thoát khỏi “cửa tử”, tỉnh lại thì hối hận cũng đã muộn” - bác sĩ Đào Xuân Cơ cho biết. 

Ngộ độc thực phẩm - mối lo thường trực

Bên cạnh mối lo lớn nhất từ rượu bia thì thời điểm này hàng năm, số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, tim mạch, ngộ độc thực phẩm do thói quen ăn uống “thả ga”, ăn nhiều đồ dầu mỡ, bánh kẹo cũng tăng đột biến. ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, cần phải thay đổi ngay thói quen, hạn chế tích trữ thực phẩm, đồ ăn trong dịp Tết. 

“Dù chúng ta có để đồ ăn trong tủ lạnh cũng chỉ là hạn chế đồ bị hỏng thôi, chứ không thể giữ được độ tươi ngon như thực phẩm mới. Hơn nữa nếu không vệ sinh sạch sẽ, để đồ ăn sống chín lẫn lộn, tủ lạnh quá chật chội, không có không khí lưu thông thì tủ lạnh lại trở thành ổ vi khuẩn, thức ăn trong tủ lạnh lại là thực phẩm độc hại. Để phòng chống ngộ độc, chúng ta cũng nên chú ý mua đồ ăn ở những cửa hàng thực phẩm có chất lượng đảm bảo, an toàn...” - bác sĩ Lê Thị Hải nói.

Vẫn theo bác sĩ Lê Thị Hải, đối với trẻ em, việc đảm bảo dinh dưỡng phòng chống bệnh tật, ngộ độc trong dịp Tết càng cần được chú ý hơn. “Ở Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, sau dịp Tết, chúng tôi thường thấy có hai tình trạng xảy ra. Một là nhiều cháu rơi vào tình trạng ăn quá nhiều, ăn đồ ngọt, đồ xào rán... khiến tăng cân vù vù và rơi vào tình trạng béo phì. Ngược lại, nhiều cháu bé, do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con nên các cháu thường ăn uống thất thường, dẫn tới việc bị rối loạn tiêu hóa, sụt cân, suy dinh dưỡng... Vì vậy, mỗi người phải thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm ăn uống, chế biến đồ ăn vào dịp Tết nhằm giữ sức khỏe” - bác sĩ Lê Thị Hải khuyến cáo.

Tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu mỗi năm

lTính đến tháng 1-2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia và 70 triệu lít rượu có nhãn mác mỗi năm, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Tính trung bình, một nam giới trưởng thành uống khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất/năm. 

lVới lượng rượu bia sử dụng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đã “vươn lên” top 2 Đông Nam Á (chỉ sau Thái Lan), đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới về tỷ lệ uống rượu bia.