Bến xe quá tải do ai?

ANTĐ - Đa phần trong 6 bến xe của Hà Nội luôn ở trạng thái quá tải! Quá tải cả những ngày thường lẫn dịp lễ Tết, và mọi áp lực lại “dồn” ra ngoài đường. Nguyên nhân chính được nhìn nhận, không phải Hà Nội quá thiếu bến xe, mà do công tác tổ chức vận tải xe khách, việc bố trí lượng xe, luồng tuyến không khoa học.

Bến xe Mỹ Đình luôn tạo áp lực cả ngoài đường và trong sân bến

Khách vắng, khách đông đều…  “sợ”

Đây là tâm lý của các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị trực tiếp quản lý bến xe. Hôm cuối cùng của đợt nghỉ Tết tới 9 ngày vừa qua (17-2), riêng 3 bến xe Gia Lâm, Giáp Bát và Mỹ Đình “gánh” tới 3.000  lượt xe khách, với khoảng 50.000 lượt hành khách đi, đến. Thời gian đóng, mở bến đều phải kéo dài biên độ so với ngày thường, từ sáng sớm đến tối mịt, và “xe nào cũng ken đầy người, nhất là xe từ tỉnh ngoài về Hà Nội”, anh Lâm, một người hành nghề “xe ôm” ở bến xe Mỹ Đình cho biết.

Những ngày áp Tết, sau Tết, hoặc những dịp lễ như 30-4, mùng 2-9, các cung đường dẫn đến những bến xe ở Hà Nội không diễn ra cảnh xe “rùa” hoặc chạy vòng vo đón khách. Áp lực những ngày này lại là tần suất hoạt động xe quá lớn trên những cung đường nội đô, ngoại thành, và sân bến. Hơn 300 ngày còn lại của năm, mặc dù tần suất xe ít đi do lượng hành khách giảm, nhưng giao thông Hà Nội lại chịu áp lực khác. Đó là tiểu xảo của các nhà xe, với “quyết tâm” làm mọi cách có thể để đón khách. Đến những bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên vào những ngày thường, sẽ bắt gặp cảnh xe không xuất bến; và khi ra đến đường, dù biết nếu bị “tóm” sẽ bị xử phạt khá nặng, nhân viên nhà xe vẫn duy trì trạng thái mở cửa xe, miệng í ới mời chào và mắt láo liên, để tìm khách.

Cũng ở những bến xe này, một tồn tại từ rất lâu nhưng đơn vị quản lý bến và lực lượng chức năng vẫn chưa thể giải quyết triệt để; là việc hình thành “bến” khác ở ngay cổng bến. Bất chấp tiếng loa giục giã khởi hành, thậm chí vờ không thấy lực lượng chức năng, nhiều nhà xe vẫn ì tại chỗ, ngoan cố chờ đón khách, chưa kể tốc độ mà họ xuất phát từ vị trí đỗ ra cổng bến trước đó, chỉ… vài km/h. “Đông khách chúng tôi lo một kiểu, vắng khách chúng tôi lại lo kiểu khác”, một cán bộ đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai chia sẻ. Và cùng với sự lo lắng của cơ quan quản lý, hàng ngày, người dân thực sự ngao ngán trước thực trạng vận tải khách đang diễn ra.

Còn khoảng trống lãng phí

Trong bài viết này, chúng tôi nhìn nhận sự phức tạp ở các bến xe Hà Nội trong những ngày vắng khách. Bởi đây mới là thời điểm bộc lộ rõ nhất những tồn tại trong công tác tổ chức, sắp xếp giao thông. Nước Ngầm, Gia Lâm, Yên Nghĩa, ba bến xe này còn tạm coi là “có khoảng trống” để bố trí, sắp xếp xe, vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Nhất là bến Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sau nhiều năm được đầu tư kinh phí lên đến nhiều tỷ đồng, nhưng vẫn bị xem là chưa thành công, bởi lượng khách, đầu xe hoạt động quá thưa thớt.

Sự vắng vẻ ở những bến xe này không thể coi là điều mừng, trong bối cảnh quá tải lượng xe ở những bến xe còn lại. Ngoại trừ bến Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) diện tích chật chội do bị thu hẹp quá nửa từ cách đây 2 năm, hai bến Mỹ Đình và Giáp Bát luôn là tâm điểm của những áp lực. Bến xe Giáp Bát, thời “hoàng kim” vào 5 năm trước, 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày có tới hơn 1.000 lượt xe hoạt động. Những tuyến ngắn như Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, đều trên dưới 100 lượt xe/ ngày. Cao điểm nhất là tuyến Thái Bình, với 12 đơn vị vận tải tham gia, “góp” cho bến Giáp Bát tới 120 xe/ngày; nghĩa là có lúc, có đồng thời…4 xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cùng rời bến. Giờ, áp lực ấy đã giảm còn 60 lượt xe/ngày, thua xe tuyến Hà Nội - Nam Định - Đò Quan, khoảng hơn 90 lượt xe/ ngày, tức 15 phút lại có xe rời bến. Tần suất này, chả trách xảy ra tình trạng xe không xuất bến.

Sở GTVT chưa dứt khoát điều chỉnh

Thời điểm hiện tại, so sánh áp lực thì bến Giáp Bát không thấm vào đâu so với bến Mỹ Đình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, công suất thiết kế cho bến Mỹ Đình là 600 - 700 lượt xe/ngày. Nhưng giờ, lượng xe “chính thống” hoạt động tại bến Mỹ Đình đã lên đến cao nhất là  1.300. Cũng vì áp lực quá lớn mà từ tháng 10-2009, Sở GTVT Hà Nội đã phải từ chối đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình và ngược lại.

Bến Mỹ Đình từ đâu ra, và vì sao xe khách dồn về đây nhanh và nhiều như vậy? Khởi phát của nó là bến xe Kim Mã, nằm ở phố Kim Mã, quận Ba Đình. Thời gian sau này khi giải thể bến xe Hà Đông, thay vì chuyển xuống bến Yên Nghĩa, nhiều nhà xe nhất quyết không chịu “xuôi Ba La”, mà quay vào Mỹ Đình. Tiếc là khi ấy, cơ quan quản lý đã không có sự dứt khoát, điều chỉnh “san tải” sớm cho bến Mỹ Đình. Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên nhớ lại: “Lúc ấy, tôi đã đề xuất Sở GTVT nên đưa các xe chạy tuyến Lai Châu, Sơn La sang Yên Nghĩa. Bởi trước kia, bến xe Sơn La nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân, tiện trục đường đi Yên Nghĩa. Xe tuyến Sơn La cũng vậy. Thế nhưng, đề xuất không được chấp thuận”.

Những áp lực giao thông tiêu cực mà có lẽ chính đơn vị quản lý bến xe Mỹ Đình không hề muốn, đã và đang ảnh hưởng hàng ngày đến khu vực xung quanh bến và những tuyến đường ra vào bến. Cuối năm 2012, lực lượng chức năng huyện Từ Liêm giải tán hàng loạt bến dù xung quanh bến Mỹ Đình. Còn với lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT, dù tăng cường kiểm tra, xử lý, nhưng những vi phạm xe khách rời bến Mỹ Đình vẫn không có dấu hiệu giảm!  

                         

(Còn tiếp)