Bế tắc trong khởi kiện bảo hiểm xã hội: Chế tài mạnh vẫn chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung các điều luật quy định về các tội danh trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Khởi kiện được kỳ vọng là công cụ để thu hồi nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, từ khi các đạo luật có hiệu lực pháp luật thì hầu như rơi bế tắc không thể triển khai trong thực tế.

Chỉ 8 bản án trong 5 năm

Tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của đơn vị, doanh nghiệp trên toàn quốc vẫn còn lớn. Trước tình trạng cả nước có tới 200.000 người lao động bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ an sinh thuộc về bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội để có phương án giải quyết. Điều đáng nói, việc nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp, nhưng việc xử phạt lại chưa đảm bảo tính răn đe.

Các cơ quan chức năng quyết định thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Các cơ quan chức năng quyết định thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội

Thông tin về nội dung này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, tại nhiều địa phương, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác thu, phát triển đối tượng và giảm nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ tháng 9-2019, khi Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 Bộ Luật Hình sự có hiệu lực thi hành, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện, đặc biệt sau khi có hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về lập hồ sơ kiến nghị khởi tố.

Tính từ năm 2018 đến hết 31-12-2023, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi 417 hồ sơ kiến nghị khởi tố sang cơ quan điều tra, trong đó có 34 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; 4 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận bảo hiểm y tế; 379 hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Riêng năm 2023, toàn ngành phát sinh 26 hồ sơ kiến nghị khởi tố (17 hồ sơ theo Điều 214, 1 hồ sơ theo Điều 215, 8 hồ sơ theo Điều 216).

Tính đến nay đã có 15 hồ sơ đã được khởi tố, trong đó có 8 bản án đã có hiệu lực pháp luật với số tiền cá nhân, tổ chức phải thi hành án cho cơ quan bảo hiểm xã hội là hơn 2,69 tỷ đồng, số tiền cơ quan bảo hiểm xã hội đã thu hồi được từ thi hành án đạt hơn 2,38 tỷ đồng (chiếm 88,5% số tiền phải thi hành án); 220 hồ sơ không khởi tố do được xác định là không có dấu hiệu tội phạm, không có hành vi vi phạm hoặc chuyển xử lý hành chính; 23 hồ sơ tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố; 2 hồ sơ bị tạm đình chỉ, đình chỉ; 103 hồ sơ vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết.

Doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, về già cũng không có lương hưu… Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội. Khởi kiện là giải pháp cuối cùng để người lao động buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Ông Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho hay, tính từ khi thực hiện Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đơn vị này đã chuyển 7 đơn vị có số nợ lớn sang cơ quan điều tra. Năm 2023, đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH chuyển tiếp hồ sơ 15 đơn vị sang cơ quan điều tra CATP Hà Nội; đề nghị cơ quan điều tra xử lý, truy tố theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các thủ tục tố tụng vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa nhất quán giữa các cơ quan nên đến nay vẫn chưa đưa ra xử lý hình sự được vụ việc nào.

Quy định có tại sao khó khả thi?

Doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, về già cũng không có lương hưu… Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội. Khởi kiện là giải pháp cuối cùng để người lao động buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thế nhưng, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, số vụ việc được đưa ra khởi tố vẫn rất khiêm tốn.

Nói về nguyên nhân số triển khai chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Tố tụng dân sự. Song 4 luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện.

Còn theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quá trình thực hiện lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố, cơ quan Bảo hiểm xã hội các địa phương còn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do không có yếu tố gian dối, hoặc thủ đoạn khác. Thực tiễn công tác gửi kiến nghị khởi tố cho thấy, hầu hết các hành vi cơ quan Bảo hiểm xã hội xem xét, lập hồ sơ gửi kiến nghị khởi tố được xác định là hành vi chậm đóng.

Theo đó, đơn vị sử dụng lao động đã kê khai đầy đủ số người tham gia bảo hiểm xã hội, số tiền phải đóng, khấu trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng chưa đóng được cơ quan công an xác định là không có thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác, nên không thỏa mãn dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1, Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Tính đến nay, chưa có vụ án nào liên quan đến Điều 216 được đưa ra xét xử, do cơ quan công an xác định hành vi vi phạm chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, chưa đủ điều kiện thụ lý. Cơ quan Bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở, tiền đề để xử lý hình sự về tội trốn đóng. Mặt khác, theo Điều 216 chỉ xử lý được với pháp nhân, khó áp dụng với cá nhân do chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cá nhân là người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.

Gia tăng, bổ sung hình phạt với doanh nghiệp chây ì

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ có thể xác định là không đóng, hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đóng không đúng mức đóng quy định…, mà không đủ công cụ, phương pháp để xác định được các hành vi đó là trốn đóng, hay không phải trốn đóng. Do chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về đóng gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, nếu xử lý hình sự theo Điều 216 phải xử lý với pháp nhân.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang kiến nghị, đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm, tạo sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật hành chính và pháp luật hình sự trong việc xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đóng.

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã bổ sung một số nội dung, quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng, gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng như phạt tiền theo ngày. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng từ 6 tháng trở lên, thì ngừng sử dụng hóa đơn, từ 12 tháng trở lên hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật,.. nhằm giảm, hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.