Bé sơ sinh nguy hiểm vì bị lồng ruột

ANTĐ - Bé C.B. Đ.T.D, 5 tháng tuổi, nhà ở Bình Thuận nhập viện BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng quấy khóc, nôn ói nhiều lần, đại tiện ra máu.

Qua thăm khám và siêu âm bụng, các bác sỹ phát hiện bé D. bị lồng ruột. Tuy nhiên thay vì được bơm tháo lồng bằng hơi (không phải mổ), bé D. được chỉ định phẫu thuật vì gia đình bé cho bé đến nhập viện muộn  hơn 48 giờ kể từ khi khởi bệnh. Trong lúc phẫu thuật, các BS nhận thấy khối lồng đã tím hoại tử nên phải cắt bỏ toàn bộ khối lồng (gồm hồi tràng – manh tràng đến đại tràng xuống, khoảng 80 cm ruột), nối hồi tràng vào đại tràng xuống.

Qua trường hợp trên, các bác sỹ tại BV khuyến cáo các bậc cha mẹ: Lồng ruột thường gặp ở trẻ từ 3-9 tháng tuổi, khởi bệnh với 3 triệu chứng: khóc thét (do đau bụng), nôn ói nhiều và tiêu phân nhày máu. Qua thăm khám và nhất là siêu âm bụng, các BS sẽ có chẩn đoán lồng ruột chính xác và kịp thời.

Xử trí đơn giản là tháo lồng bằng hơi được thực hiện càng sớm càng tốt, cháu bé sẽ được bơm hơi qua ống thông đặt vào hậu môn với áp lực thích hợp để tháo lồng mà không cần phải mổ. Tuy nhiên phương pháp này không thực hiện được đối với các trường hợp đến muộn (sau 48 giờ kể từ khi khởi bệnh), các bé có dấu hiệu nặng hoặc đã có biến chứng như thủng ruột. Lồng ruột đến muộn hoặc có biến chứng bắt buộc phải mổ và có khi phải cắt bỏ khối lồng (cắt nối ruột).