Bất ngờ tăng giá điện

ANTĐ - Mặc dù mức tăng chỉ nằm trong phạm vi 5%, thêm 62 đồng/kWh nhưng việc đột ngột tăng giá điện của EVN từ hôm nay, 20-12 đã khiến không ít chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp bất ngờ.

Cần giảm tổn thất điện năng xuống mức thấp nhất. Ảnh: VTC.vn

Tăng giá chưa đúng thời điểm

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc EVN đề xuất tăng giá điện đã có từ lâu nhưng quyết định tăng bất ngờ vào dịp cuối năm lại lần đầu tiên thực hiện. “Đáng chú ý, việc tăng giá này diễn ra ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán của EVN với những khoản lỗ lớn do quản lý yếu kém là chưa hợp lý”. Theo ông Doanh, hệ lụy từ việc tăng giá điện thêm 62 đồng/kWh áp dụng từ 20-12-2011 chưa thể hiện ngay trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12, mà sẽ thấy rõ trong CPI tháng 1-2012. Tất cả các sản phẩm tiêu dùng đều chịu tác động của giá điện: lúa gạo, bơm nước trồng cây nông sản hay nuôi tôm... đến những sản phẩm công nghệ cao. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của đợt tăng giá điện này đến đâu thì phải chờ hiệu ứng các ngành hàng và tính toán nhiều.

Lãnh đạo một công ty giấy cho hay, các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn do lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng giảm. Thế nên việc tăng giá vào thời điểm này sẽ gia tăng áp lực cho doanh nghiệp. Tăng giá điện vào dịp cuối năm là thời điểm “nhạy cảm”, dễ tác động đến các hàng hóa khác. “Cơ quan quản lý phải tính toán tác động và sức chịu đựng của doanh nghiệp sản xuất trước khi quyết định” - vị lãnh đạo này bày tỏ.

Khá bất ngờ trước thông tin tăng giá điện chỉ được công bố 1 ngày trước khi chính thức áp dụng, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói: “Tăng giá điện thêm 5% lần này sẽ tác động không tốt đến doanh nghiệp, đặc biệt khi ngành thép đang gặp khó khăn về tiêu thụ như hiện nay. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có thể không lớn”. Ông Nghi tính toán, giá điện chiếm khoảng 6% giá thành sản phẩm phôi thép, chiếm 0,7-0,8% sản phẩm thép cán; nếu giá điện tăng thêm 62 đồng/kWh thì mỗi tấn phôi thép sẽ tăng giá thành thêm vài chục nghìn đồng.

Có chuyên gia kinh tế lại cho rằng, tăng giá điện là điều được báo trước và đã có quyết định, vì vậy không nên bình luận. Song ông này cũng đánh giá EVN đã “khôn ngoan” lựa chọn giải pháp có lợi cho mình khi quyết định tăng giá nhẹ, trong mức 5% để được tự quyết, chỉ cần thông báo với cơ quan quản lý cấp trên và cũng vì thế, EVN có thể “phớt lờ” thời điểm tăng giá.

Phải chấp nhận việc tăng giá

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, doanh nghiệp nào kinh doanh cũng cần có lãi hoặc ít nhất hòa vốn. Do đó, EVN đang lỗ và quyết định tăng giá điện cũng là điều dễ hiểu, không thể để doanh nghiệp lỗ mãi được.

“Cảm thông với nợ nần” của EVN, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay: “Cơ quan quản lý và EVN cần có biện pháp cải tiến công tác quản lý, giảm chi phí một cách toàn diện cho EVN. Không nên để thất thoát điện năng như hiện nay. Đồng thời, phải hạch toán được những tài sản thay thế cũ chưa được hạch toán để EVN không phải tăng giá nhiều nhưng kinh doanh vẫn có lãi”.

Cũng bất ngờ trước thông tin EVN tăng giá điện từ 20-12, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: “EVN đang lỗ lớn nên tăng giá điện được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Việc tăng giá lần này đã tính toán biên độ tăng theo giá nguyên liệu đầu vào nhưng tăng thêm 62 đồng/kWh thì chưa ăn thua gì, tác động chưa lớn”. Ông Ngãi cho biết thêm, giá điện dần điều chỉnh theo thị trường sẽ có lúc tăng, lúc giảm.

Theo EVN, giá bán điện sinh hoạt bậc thang 0 - 50kWh cho hộ nghèo và bậc thang 0 - 100kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh giá điện này. Điều đó có nghĩa những người nghèo, người có thu nhập thấp không chịu áp lực trực tiếp từ việc tăng giá điện kể từ hôm nay. Tuy nhiên, những tác động gián tiếp thì khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng điện của EVN cũng băn khoăn, liệu quyết định tăng giá này có được lặp lại theo kiểu “mỗi lần một ít” và lo ngại, giá điện tăng lần này chưa hết tác động với thị trường thì quý I-2012, EVN sẽ được cơ quan quản lý cho phép tăng giá điện thêm lần nữa với biên độ cao hơn!

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, tính đến hết năm 2010, số nợ phải trả của EVN lên tới trên 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, EVN nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tính đến 30-6-2011 đã lên tới hơn 8.860 tỷ đồng và nợ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam hơn 1.200 tỷ đồng. Số lỗ của EVN năm 2010 là trên 8.400 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu âm (-) 14,8%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản âm (-) 2,78%. EVN thua lỗ trong kinh doanh do quản lý yếu kém, tổn thất điện năng cao và nhiều tài sản phải thay thế không được hạch toán gây thất thu. Ngoài ra, số lỗ trên còn do EVN phải huy động các nguồn điện giá cao để đảm bảo cung ứng điện trong nước...