Bất cập từ một đề án

ANTĐ - Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đến năm 2020 vừa được phê duyệt với kinh phí khoảng 12.000 tỷ đồng. Dù mọi tính toán trong đề án đều được đánh giá là khả thi, nhưng không ít người sử dụng xe buýt vẫn nửa tin nửa ngờ.

Lâu nay, khi nói tới xe buýt nhiều người liên tưởng tới hình ảnh xe buýt nối hàng dài, gây ách tắc giao thông; lái xe ẩu, vượt đèn đỏ, lạng lách, được ví von là “hung thần” trên đường phố. Do vậy, khi Đề án phát triển VTHKCC bằng xe buýt được phê duyệt, nhiều người mang tâm lý nghi ngờ về tính khả thi cũng như chất lượng phục vụ liệu có được nâng lên. 

Mục tiêu nổi bật tại đề án này đưa ra, đến năm 2020, xe buýt sẽ đáp ứng được 25% nhu cầu đi lại của người dân. Khuyến khích người dân sử dụng phương tiện VTCC nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và chi phí xã hội trong GTVT. Cụ thể như cải thiện và phát triển mạng lưới tuyến buýt; đưa vào các mô hình hạ tầng tiên tiến, đồng bộ với hệ thống điểm, bãi đỗ xe và hạ tầng giao thông tiếp cận tới khu vực dân cư nhằm tăng cường năng lực và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bất cập lớn nhất hiện nay của hệ thống xe buýt Hà Nội theo các chuyên gia giao thông là công tác quản lý còn lạc hậu, thủ công. Sau hơn 10 năm mới có đề án, trong khi đó, các nước trên thế giới, chỉ 2-3 năm họ phải rà soát lại mạng lưới xe buýt để điều chỉnh cho hợp lý. Do đó, đề án phát triển mạng lưới VTCC với số tiền 12.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân vào năm 2020 là khả thi. Hơn nữa, các chuyên gia cũng đã phân tích rất kỹ lưỡng, Đề án chú trọng phát triển VTHKCC ở khu vực ngoài vành đai 3, đến các huyện, thị vệ tinh như Sơn  Tây, Thạch Thất, Mỹ Đức, Mê Linh…