Bập bênh của tuổi thơ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hồi bé, cứ vài ba tháng là bố tôi dắt tôi đi thăm bà trẻ. Tôi gọi là bà trẻ vì bà là cô ruột của bố tôi. Nhà bà ở đầu phố Quán Thánh, tuy nhỏ lại ở trong ngõ nhưng tôi rất thích. Trẻ con mà, thích vì được đi chơi. Sau khi chào bà, chào chú thím xong là tôi ù ngay ra phố. Đấy mới là chỗ tôi thích nhất: vườn hoa Hàng Đậu.

1. Vườn hoa Hàng Đậu hay còn gọi là vườn hoa Quán Thánh hoặc còn được biết đến là vườn hoa Vạn Xuân. Nhưng cho dù có gọi tên nào đi chăng nữa thì tôi cũng chẳng quan tâm bởi vì chỉ để mắt tới mấy chiếc cầu trượt cùng bập bênh ở trong đó. Dạo ấy, trẻ con ra vườn hoa không chơi đá bóng hay chơi cầu lông như bây giờ, cũng chẳng có mấy bà, mấy cô ra đấy tập thể dục. Và quan trọng nhất là không có những người đàn ông mặt mũi lầm lỳ, vừa đi vừa dán mắt vào điện thoại. Sợ nhất mấy người đàn ông đó vì họ mải buôn điện thoại mà tuột dây dắt chó. Những con chó to lừng lững bị tuột xích chạy loăng quăng, chốc chốc lại ghếch chân tè vào gốc cây. Sợ nhất là nếu đi đứng không cẩn thận sẽ giẫm phải “mìn”, là những bãi xú uế của chó nặng mùi kinh khủng. Có người đã phải bực dọc thốt lên “vườn hoa bây giờ thành toilet của chó mất rồi”.

Quãng xa xưa, khi được bố tôi đến thăm bà trẻ, tôi đứng trên hè phố Quán Thánh nhìn đoàn tàu điện leng keng từ mạn Đồng Xuân đi tới. Hồi ấy trên phố Quán Thánh có điểm đỗ tàu điện, tàu từ Bờ Hồ lên, tàu từ Bưởi xuống. Đoàn tàu dừng lại, nhớn nhác những người đàn bà gồng gánh, túi, bị, thúng mủng vội vã chen nhau xuống tàu, lên tàu. Thế là tôi băng qua đường để vào vườn hoa. Chạy thẳng tới chiếc cầu trượt gần nhất, tôi không lên trên theo lối bậc thang mà bặm chân, bặm môi, tay bám thành cầu để lên theo cái lối mà đám con trai thường làm - lên từ máng trượt. Tới đỉnh tôi ngồi phệt xuống, hai chân duỗi dài, vèo một cái đã tuột xuống dưới. Cứ cái cách chẳng giống ai ấy mà tôi chơi mê mệt, chơi không thấy mỏi chân, không thấy chán. Cũng có khi rất đông trẻ con đến chơi, và dĩ nhiên bọn con trai thằng nào cũng như thằng nấy, đều không chịu leo lên bằng cầu thang. Thế mới là con trai chứ.

Có mấy đứa con gái không coi bọn con trai ra gì, chúng lên theo lối cầu thang rồi chen vai, thích cánh đẩy mấy thằng con trai xuống. Chúng cũng ngồi phệt rồi thả người tuột theo lòng máng. Có đứa trượt nhanh lắm, đến nỗi mấy thằng con trai ở dưới chưa kịp đứng lên sẽ bị chúng dùng chân thúc vào lưng đau điếng. Lắm thằng tức quá định đứng dậy “cho mấy con ranh một trận”, nhưng nhìn cái miệng chúng nở nụ cười nên đành xí xóa.

Bập bênh là trò chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ

Bập bênh là trò chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ

2. Nhưng cái trò hiếu thắng đâu có thôi, thế là xảy ra một cuộc ganh đua náo nhiệt. Bọn con gái tưởng nhút nhát là thế, vậy mà chúng chạy thoăn thoắt. Chúng lên đỉnh cầu trượt bằng lối cầu thang hóa ra lại nhanh hơn cách bọn con trai lên theo lối lòng máng. Khi tới đỉnh rồi, chúng vội vã ngồi phệt xuống rồi thả trôi “không phanh” đạp đúng vào đôi chân đang run rẩy cố leo lên của bọn con trai. Có thằng bị ngã dúi mặt vào cầu trượt, có thằng bị ngã nghiêng người và dĩ nhiên tất cả đều bị bọn con gái đẩy xuống đất. Tức lắm. Tức nhất là không trượt được. Cứ đang leo lên là bị đẩy xuống, ngã dúi dụi. Cứ đang leo lên là bị phá đám. Tôi đâm nản bỏ sang chơi trò bập bênh. Khổ nỗi, dường như mấy cầu bập bênh đã mặc định là chỗ của bọn con gái mất rồi. Cứ như thể trò này là của riêng “nhà chúng nó” vậy.

Tôi ngao ngán thật sự. Chơi cầu trượt thì bị bọn con gái phá đám, chơi cầu bập bênh thì lại là “chỗ của chúng nó”. Tức thật đấy. Tôi đứng thuỗn mặt ra suy nghĩ mông lung tìm cách chiếm lấy cầu bập bênh. Thú thực cái trò bập bênh tuy không “đàn ông” tí nào, nhưng được lên lên xuống xuống cũng hay hay. Tôi từ tốn bước lại gần hai đứa con gái đang chơi, nhưng bây giờ mà chen vào ngồi cạnh một đứa thì không ổn, ai lại đi tranh chỗ với mấy đứa con gái. Hai đứa con gái cười toe toét xem ra còn lâu mới chịu rời đi. Tôi nói: “Chấp hai đứa ngồi một bên đấy”. Hình như câu nói của tôi đã chạm vào lòng tự ái của chúng. Đứa có vẻ là chị đặt hai chân xuống đất, bập bênh dừng lại, nó vênh mặt lên: “Chỉ giỏi nói phét!”. Tôi thấy nóng bừng cả mặt, nhưng với bọn con gái mà ăn nói không nhẹ nhàng thì chúng không buông nên tôi đành thẽ thọt: “Anh chấp hai em ngồi một bên, kiểu gì anh cũng nhấc được cả hai lên”.

Nghe tôi ăn nói chững chạc, cô chị vẫy đứa em lại. Cả hai thì thầm trao đổi một hồi rồi cô chị nói rành rẽ: “Anh mà không nhấc được hai đứa chúng em thì sẽ bị phạt. Mà anh có tiền mua kem không?”. Thôi chết, tôi chạy vội ra đây đâu có xu nào trong túi. Mà đã thách chúng nó rồi, bỏ đi thì mất tư cách đàn ông. Tôi giậm chân nói mạnh: “Dễ ợt. Anh sẽ thắng thôi. Nếu các em thua thì các em cũng phải mua kem đấy”.

Tại các công viên, khu vui chơi có rất nhiều bập bênh dành cho trẻ nhỏ sau mỗi ngày tan học hoặc cuối tuần

Tại các công viên, khu vui chơi có rất nhiều bập bênh dành cho trẻ nhỏ sau mỗi ngày tan học hoặc cuối tuần

3. Để cho hai đứa con gái ngồi chắc chắn xong tôi mới đàng hoàng đến ngồi ở đầu bên kia. Chúng nặng thật chứ không đùa. Tôi ngồi lên rồi mà đầu bên kia vẫn ỳ ra, bập bênh dường như không nhúc nhích tí nào. Sau vài giây nghĩ ngợi tôi mới nhận thấy cả hai đứa vẫn đặt chân dưới đất, bàn chân như đang cố bám chặt xuống. Đúng rồi, thảo nào tôi ra sức nhún người xuống mà chúng vẫn không bị nhấc lên. Tôi bèn nói: “Bọn em ăn gian. Chơi bập bênh thì người ta phải nhấc hai chân lên chứ”. Lại dường như câu nói của tôi cũng chạm vào lòng tự ái của chúng, hay là vì bị nhắc nên theo phản xạ tự nhiên cả hai chị em đều nhấc chân lên. Thế là tôi lấy hết sức nhún mạnh người, đầu cầu đối diện nhấc bổng lên. Tôi bèn giậm chặt chân xuống đất để bập bênh không nhấc lên ở phía bên tôi. Cô em trước đó chẳng nói năng gì bất ngờ lên tiếng: “Anh cũng chơi ăn gian”.

Cứ thế… Cứ thế…. Rồi chẳng bên nào chơi ăn gian nữa. Bập bênh cứ đều đều lên lên, xuống xuống. Hai đứa con gái cười tít cả mắt, vui đáo để. Vui đến nỗi chúng tôi chẳng ai còn nhớ phải mua kem cả. Với lại bố tôi đã đến bên từ khi nào. Bố nhắc: “Con chào hai em đi rồi bố con mình về”.