Bảo tàng Văn học Việt Nam: Phải đóng cửa thêm 2 năm nữa

(ANTĐ) - Cả một tòa nhà 6 tầng khang trang rộng 3.600 m2 đã hoàn thành hơn 1 năm nay. Làm sao có đủ số hiện vật cần thiết để trưng bày cho xứng với tên gọi vẫn là một câu hỏi đau đầu đối với Hội Nhà văn Việt Nam. Dự kiến khai trương bảo tàng vào tháng 6-2008 rồi lùi sang quý I hoặc quý II-2009  chắc chắn sẽ bị phá sản. Mới đây, Hội Nhà văn lại đưa ra một cái hẹn mới: đầu năm 2010.

Bảo tàng Văn học Việt Nam: Phải đóng cửa thêm 2 năm nữa

(ANTĐ) - Cả một tòa nhà 6 tầng khang trang rộng 3.600 m2 đã hoàn thành hơn 1 năm nay. Làm sao có đủ số hiện vật cần thiết để trưng bày cho xứng với tên gọi vẫn là một câu hỏi đau đầu đối với Hội Nhà văn Việt Nam. Dự kiến khai trương bảo tàng vào tháng 6-2008 rồi lùi sang quý I hoặc quý II-2009  chắc chắn sẽ bị phá sản. Mới đây, Hội Nhà văn lại đưa ra một cái hẹn mới: đầu năm 2010.

Bảo tàng văn học hay thư viện văn học

Nếu chỉ nhìn vào con số ngót 130.000 hiện vật mà Ban Nội dung bảo tàng đã mang về được thì thấy tình hình đâu đến nỗi phải lo lắng. Diện tích vẻn vẹn 3.000m2, thì với số hiện vật trên như thế thì cũng hòm hòm để trưng bày được rồi.

Chỉ có điều, nếu bây giờ mà mở cửa đón khách tham quan thì e không tránh được những câu hỏi: “Đây là bảo tàng hay chỉ là thư viện văn học Việt Nam?”. Sự nghi hoặc này là có thật bởi trong số 130.000 hiện vật hiện có, đến 80% là sách và ảnh - tác phẩm và chân dung nhà văn -– và cũng chỉ tập trung ở mảng văn học hiện đại - tính từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Những hiện vật có ý nghĩa nhất làm nên giá trị bảo tàng bởi tính riêng biệt và tính lịch sử như các loại bản thảo viết tay, vật dụng sinh hoạt và sáng tác của nhà văn thì chỉ có 20%.

Trong khi đó, toàn bộ hiện vật từ cuối XIX đổ về trước gần như là con số 0, ngoại trừ một cái bàn viết cổ của cụ Nguyễn Du, một bài hát ca trù của Phan Huy Chú viết trên tấm vải thờ của dòng họ Phan, một bản in Truyện Kiều cổ nhất.

Còn lại toàn bộ nền văn học Hán – Nôm rực rỡ dưới các triều đại phong kiến hưng thịnh Lý – Trần – Lê vẫn phải chờ các chuyến đi sưu tầm nước ngoài. May ra còn một số sách cổ được mang sang Trung Quốc thông qua các con đường đi sứ, buôn bán, tịch thu...

Còn trong nước, đại họa “đốt sách chôn Nho” mà nhà Minh gây ra trong 20 năm đô hộ Đại Việt và sau này là cuộc bài Nho, đề cao chữ quốc ngữ thế kỷ XX đã tiêu hủy gần như hoàn toàn những di sản văn học quý giá này. Tìm được bản in của văn học giai đoạn này đã là bất khả thi chứ chưa nói đến những bản thảo viết tay vàng ngọc.

Chính vì thế, toàn bộ văn học dân gian lẫn văn học viết trước thế kỷ XX chắc đến 99% phải tính đến phương án thể hiện bằng bản in chữ quốc ngữ. Và do đó, không gian trưng bày lịch sử văn học Việt Nam “hứa hẹn” sẽ là không gian kém hấp dẫn nhất trong Bảo tàng.

Thiếu hiện vật mang tính nhân chứng, những gì có trong tay lại chỉ gói gọn trong mẩu thời gian 100 năm trở lại đây so với 4.000 năm lịch sử trong đó có gần 1.000 năm tồn tại và phát triển văn học viết, Bảo tàng văn học Việt Nam khó mà xoay sở để thoát khỏi dáng vẻ của một thư viện - khác chăng là có chọn lọc hơn.

Bảo tàng Văn học Việt Nam - nhà đã có nhưng chưa ai ở Những hiện vật của nhà văn Phan Tứ do Hội Nhà văn sưu tầm Bảo tàng Văn học Việt Nam - nhà đã có nhưng chưa ai ở Những hiện vật của nhà văn Phan Tứ do Hội Nhà văn sưu tầm
Bảo tàng Văn học Việt Nam - nhà đã có  nhưng chưa ai ở Những hiện vật của nhà văn Phan Tứ do Hội Nhà văn sưu tầm

Nan giải chuyện sưu tầm hiện vật

Tìm được hiện vật đã khó, đưa được hiện vật về còn khó hơn là tình hình chung của Bảo tàng Văn học hiện nay. Chuyên đề trưng bày theo tác gia lớn tưởng là sẽ dễ dàng hơn cả thì lại gặp nhiều cản trở nhất.

Khó khăn khi sưu tầm về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã đành, nhưng những Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... cũng không khả quan hơn là mấy trong khi người thì còn sống, người mất lâu nhất cũng chỉ độ 20 năm.

Nguyên nhân là vì: thân nhân của các tác gia ít khi muốn rời xa những kỷ vật của gia đình. Họ giữ mọi vật dụng của nhà văn như giữ của gia bảo, không dễ gì đem những thứ quý giá thiêng liêng ấy đến một nơi xa lạ. Thành ra, nếu họ có đồng ý hiến tặng thì cũng rất ít (như gia đình nhà thơ Tố Hữu), hoặc là họ từ chối luôn (như gia đình nhà văn Nguyễn Tuân).

Một số hiện vật không thuộc sở hữu của cá nhân nào thì càng khó xử bởi cấp nọ lại ngại cấp kia, cuối cùng không cấp nào dám quyết cho người của Bảo tàng được phép mang về ví như: đôi lục bình có hai câu thơ của Hồ Xuân Hương ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cái bàn đá tương truyền là của Nguyễn Trãi trên núi Côn Sơn hay cây đại có từ thời Nguyễn Du ở Hà Tĩnh (mà nghe đâu, vì xin địa phương mãi không được, nên một thành viên trong nhóm sưu tầm đã bày kế cưa trộm cây đại này mang về trồng trong khuôn viên của Bảo tàng rồi).

Việc sưu tầm những hiện vật, cổ vật văn học mà giá trị tinh thần còn lớn hơn cả giá trị vật chất này có tiền chưa chắc đã làm được. Huống hồ Hội Nhà văn Việt Nam lại không có nhiều tiền. Ngân sách chi cho công tác sưu tầm vẫn chưa giải ngân được, 4 năm nay đều phải “cấu” vào tiền xây dựng tòa nhà bảo tàng.

Muốn đi sưu tầm ở nước ngoài thì phải kết hợp với các chuyến đi công tác chứ không có kinh phí để đi riêng. Không rõ nếu may mắn tìm được hiện vật ở nước ngoài, phía đối tác đòi một cái giá cao cho việc mua bán thì Hội Nhà văn sẽ làm thế nào?

Có lẽ đã tính đến nước này nên cho đến giờ Hội vẫn chưa thực hiện được chuyến xuất ngoại sưu tầm hiện vật nào cả, dù cũng lên kế hoạch là sang Nga, sang Pháp, sang Trung Quốc để tìm từ lâu.

Kết quả là, Ban Nội dung Bảo tàng Văn học Việt Nam vẫn ngày ngày cần mẫn ghi chép lại mỗi lá phiếu kê khai danh sách các tác phẩm mà những nhà văn đương thời ký gửi, hiến tặng cho Bảo tàng (có những tác phẩm nhiều người biết, có những tác phẩm chẳng ai biết) với niềm tin mong manh Bảo tàng sẽ không trở thành thư viện.

Có lẽ chút hấp dẫn hiếm hoi hy vọng có thể tạo nên nét riêng của Bảo tàng Văn học Việt Nam là những bản trường ca, sử thi của đồng bào dân tộc thiểu số được ghi vào băng ghi âm qua giọng đọc của chính người bản địa. Đó là những hiện vật có sức sống nhất và có giá trị bảo tàng nhất.                    

Hoàng Hồng