Băn khoăn nguồn vốn 8 tỷ USD xây sân bay Long Thành

ANTĐ - Khẳng định việc xây sân bay quốc tế Long Thành là cần thiết, song trong bối cảnh hiện nay, số tiền đầu tư gần 8 tỷ USD khiến nhiều người lo lắng gây áp lực lên nợ công cũng như khả năng trả nợ.

Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng, dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành là hết sức cấp thiết. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã quá tải, nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác hết công suất thiết kế. Do đó, việc phải nhanh chóng đầu tư mở rộng hoặc xây mới một cảng hàng không nhằm đáp ứng sự quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết bởi sau năm 2017 thì Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được nữa.

Trong giai đoạn đến năm 2030, Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá Việt Nam sẽ là nước đứng thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời dự báo đến những năm 2015, 2020 và 2030, tổng lượng hành khách thông qua hệ thống cảng hàng không của Việt Nam đạt 55 triệu, 90 triệu và 175 triệu hành khách/năm tương ứng. Trong đó, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với cửa ngõ là khu vực TP. HCM được dự báo sẽ đạt hơn 50 triệu hành khách thông qua vào năm 2030.

Theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, không gian hoạt động một cảng hàng không rộng hơn rất nhiều và nếu mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất chắc chắn sẽ tạo ra xung đột giao thông trên không.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, nguồn vốn đầu tư cho dự án ở giai đoạn 1 khoảng 165.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 85.000 tỷ. Con số này khá lớn trong tổng thể nền kinh tế hiện nay.

Trong quá trình đầu tư dự án, ngay từ đầu, Bộ GTVT đã trình Quốc hội rằng sẽ đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trái phiếu, ngân sách, ODA.

"Bộ đang trình Chính phủ hướng vay ODA ưu đãi để giảm huy động vốn trong nước, kéo dài trả nợ trong nhiều năm. Thứ hai, dự án sẽ sử dụng vốn trái phiếu ở mức độ nằm trong tổng thể Quốc hội sẽ phát hành trong giai đoạn 2016-2021. Đây là 2 nguồn vốn trong nước đầu tư cho giai đoạn này. Ngoài ra, còn vốn tự vay tự trả của doanh nghiệp và khả năng tự vay, tự trả là cao vì tính hấp dẫn hiệu quả của dự án sân bay Long Thành", ông Trường cho hay.

Về áp lực lên vốn vay, ông Trường cho rằng, đến năm 2022, số vốn vay cho dự án này chỉ chiếm 0,91%, mức rất thấp vì vậy không gây áp lực lớn lên tình hình nợ công.

Đã có một số ý kiến cho rằng, sau khi hoàn thiện sân bay quốc tế Long Thành thì nên bán một phần diện tích dân sự hiện nay của sân bay Tân Sơn Nhất để trả nợ, song ông Trường khẳng định, Bộ không tính đến phương án này. Và, nếu có bán một phần đất thì cũng không đủ trả nợ vốn xây sân bay Long Thành, vì tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn lên tới 18 tỷ USD.

Theo báo cáo đầu tư tiền khả thi của ACV, trong tổng số 165.000 tỷ đồng đầu tư giai đoạn 1 thì cần vốn Nhà nước khoảng 85.000 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Và, trong số này khoảng 47.000 tỷ đồng vay ODA còn lại là vốn trái phiếu Chính phủ...

Theo tính toán của một số chuyên gia, thì nếu sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, xây dựng thì khả năng hoàn vốn trả nợ cũng còn rất mù mờ. Chưa kể, công suất sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 (2023) mới đạt 25 triệu hành khách/năm, so với những sân bay quốc tế lớn trong khu vực còn thua xa. Hơn nữa, số tiền đầu tư giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD nhưng mới chỉ là khái toán đầu tư, chắc chắn sẽ còn tăng khi làm chi tiết và bắt tay vào xây dựng, nếu được Quốc hội thông qua.