Ý tưởng giải bài toán ùn tắc giao thông Thủ đô (1):

Bài toán so sánh trước và sau khi đổi giờ làm, giờ học

ANTĐ - LTS: Bạn đọc Mai Sỹ Xuân Lâm đã gửi thư đến Báo An ninh Thủ đô đề xuất ý tưởng "Khai thông dòng chảy" để nhằm giảm ùn tắc giao thông. Nhằm góp một tiếng nói để tìm ra lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán giao thông Hà Nội. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến này, mong nhận được ý kiến phản hồi, trao đổi của bạn đọc và các cơ quan chức năng.

Trước khi đề xuất ý tưởng về dòng chảy giao thông, bạn đọc Xuân Lâm đã trình bày ý kiến của mình về việc thay đổi giờ làm giờ học bằng cách đưa ra một bài toán so sánh kết quả của trước và sau khi thay đổi giờ học giờ làm.

Theo thống kê dân số Hà Nội có khoản 7 triệu người, có khoảng 1.134 nút giao thông, thường xuyên có 90 điểm ùn tắc giao thông. Trong năm học 2011-2012, thành phố Hà Nội có khoảng 350.000 học sinh mầm non, 500.000 học sinh bậc tiểu học, 320.000 học sinh THCS và 230,000 học sinh THPT. Ngoài ra còn có gần 478.900 sinh viên các trường đại học và cao đẳng trong nội thành, trong đó nhiều nhất tại các quận Cầu Giấy và Đống Đa với 13 trường mỗi quận, 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng 6 trường/quận. Cùng với đó là số lượng công chức hưởng lương ngân sách, trong đó các cơ quan Trung ương 202.966 người, công chức TP Hà Nội 152.294 người.

Sử dụng cách tính đơn giản để so sánh qua lại (không thể hiện sự chính xác tuyệt đối) sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác biệt.

Trước khi đổi giờ:

Đặt giả sử, vào giờ cao điểm thành phố Hà Nội có 60% dân số tham gia giao thông tại 1.134 nút giao thông. Khi đó, trung bình số người cùng tham gia giao thông vào giờ cao điểm là: 7.000.000 người x 60% = 4.200.000 người.

Tại mỗi nút giao thông đa phần là đường 2 chiều nên: (4.200.000 / 1.134) x 2 = 7.407 người qua lại tại 1 nút giao thông.

Trong khoảng thời gian từ 16h00 – 17h30 là thời điểm cao điểm với 60 phút, ta có lưu lượng người tham gia giao thông trong 1 phút tại 1 nút giao thông là:

7.407 người / 60 phút = 124 người / 1phút (tại một nút giao thông).

Tại mỗi nút giao thông là đường 2 chiều, như vậy mỗi chiều lưu thông trung bình có: 124 người / 2 = 62 người.

Nếu xảy ra xung đột dòng chảy, chiều vào ngoại thành cản dòng ra ngoại thành trong 3 phút, khi đó dòng người sẽ đổ về tại một nút giao thông là 124 x 3 = 372 người, từ đó dẫn đến ùn ứ. Nếu không cắt đứt được sự xung đột giao thông để khai thông dòng chảy cho 320 người này thì nguy cơ dẫn đến tắc dòng chảy trong 5 phút kế tiếp là có thêm 620 người đổ dồn về điểm tắc này, như vậy tại điểm tắc này sẽ có từ 600 người – 800 người. Cứ thế số lượng người đổ dồn về điểm ùn tắc càng ngày càng tăng, trong khi lưu lượng thoát ra là rất ít, dẫn đến ùn tắc kéo dài nhiều giờ liền. Vì khi xảy ra xung đột dòng chảy, trong 1 phút sẽ không còn 124 người được lưu thông nữa, mà con số sẽ rất thấp.

 

Sau khi đổi giờ.

Khi áp dụng thay đổi giờ học, chỉ khoảng trên 510,000 học sinh sẽ bị ảnh hưởng. Như vậy trong khung giờ cao điểm từ 16h30-17h30 sẽ chỉ giảm bớt được một lượng người là:

4.200.000 người – 510.000 người = 3.690.000 người.

(3.690.000 / 1134)*2 = 6508 người qua lại tại 1 nút giao thông.

6508 / 60 phút = 108 người qua lại tại 1 nút giao thông trong 1 phút.

Như vậy ta có thể so sánh, trước khi đổi giờ, vào giờ cao điểm từ 16h30 – 17h30 sẽ có lưu lượng 124 người / 1phút tại một nút giao thông. Sau khi đổi giờ lưu lượng là 108 người qua lại tại 1 nút giao thông. Một con số giảm không đáng kể.

Tuy nhiên, việc thay đổi giờ làm này cũng chỉ giống như thay vì trong khoảng 1 giờ từ 16h30 – 17h30 tôi sẽ xả 4.200.000 mét khối nước, thì nay tôi chặn lại 510.000 mét khối nước để dành xả ra vào lúc 18h00 – 19h30. Nếu xả không kịp 4.200.000 mét khối nước trong 1 giờ và phải kéo dài đến 18h00 thì lượng ùn ứ sẽ trở nên nghiêm trọng khi 510.000 mét khối nước kia lại được bồi thêm một lượng khoảng hơn 200.000 mét khối nữa (phụ huynh rước học sinh).

Như vậy thay đổi giờ làm, giờ học có nguy cơ không giảm được ùn tắc giao thông, mà sẽ làm ùn tắc có nguy cơ kéo dài và lâu hơn (đến sau 19h00), nếu tốp trước bị ùn tắc ở đâu đó. Và một lẽ dĩ nhiên, thay gì lúc trước 4.200.000 mét khối nước đó đều thoát và chảy về nhà, thì nay… Rất nhiều trong số đó lại chảy lòng vòng sang điểm khác, tụ tập và làm phát sinh ùn, tắc tại các điểm mới và kéo dài đến sau 19h00....

Từ bài toán trên, nên chăng ta nên tìm cách khai thông lưu lượng dòng chảy đó trong thời gian ngắn, chứ không tìm cách thay đổi giờ làm (kéo dài thời gian). Vì thực tế, việc thay đổi giờ làm và giờ học không làm mất đi hoàn toàn 1 lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, mà thay vào đó chỉ là biện pháp kéo dãn thời gian cho cùng một lưu lượng đó mà thôi. Điều này đồng nghĩa, nếu không tập trung khai thông dòng chảy, mà vẫn để các dòng chảy xung đột lẫn nhau dẫn đến xảy ra ùn và tắc, thì sẽ chỉ ùn và tắc kéo dài thêm thời gian trên đường phố.

Kỳ 2: Giảm ùn tắc bằng phương pháp khai thông dòng chảy