Bài học đau xót và niềm tin cần gây dựng

ANTD.VN - Những giọt nước mắt của một nữ sinh đã rơi bởi sự uất ức của bản thân cũng như của tập thể lớp suốt 4 tháng trời học tập mà không nhận được một lời giảng từ cô giáo dạy Toán có thâm niên, được đánh giá giỏi về chuyên môn... ở trường THPT Long Thới, TP.HCM. Vì sao một giáo viên lại đưa ra cách ứng xử như vậy? Có đúng đây là cách thể hiện “quyền lực cá nhân” giáo viên đó như lời phản ánh của học sinh?

Liên tiếp những vụ việc nghiêm trọng gây chấn động ngành Sư phạm xảy ra gần đây như phụ huynh bắt cô giáo quỳ 40 phút ở trường Tiểu học Bình Chánh, Long An hay nữ giáo sinh thực tập trường Mầm non Việt - Lào, Nghệ An dù có thai vẫn bị phụ huynh hành hung, ép quỳ đến mức phải nhập viện…

Lỗi ở đây rõ ràng thuộc về phụ huynh, những người hành xử thiếu văn hóa, thiếu sự tôn trọng cần có với thầy, cô giáo của con mình. Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau mà chính các nhà quản lý giáo dục cũng phải thừa nhận là sự thiếu chuyên nghiệp, kém về chuyên môn cũng như thiếu kỹ năng ứng xử chuẩn mực của không ít giáo viên.

Quay lại sự việc tại trường THPT Long Thới, ngày 29-3, ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng nhà trường xác nhận sự việc phản ánh về cô giáo Trần Thị Minh Châu công tác tại trường với cách dạy học lạ lùng, suốt 4 tháng không nói một lời nào với học sinh, chỉ viết bài lên bảng khiến học sinh… khiếp sợ. Trường này cho biết, sự việc cụ thể đã được báo cáo lên Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM song do nội dung có tính chất “nhạy cảm” nên chỉ có Sở mới là nơi phát ngôn chính thức và quyết định hướng xử lý.  

Tuy nhiên, Ban giám hiệu cũng thừa nhận cô giáo đã không đúng về chuyên môn với cách giảng dạy chỉ viết bài lên bảng, không nói một lời nào suốt 4 tháng. Không ai có thể chấp nhận một giáo viên có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cho học sinh lại chọn cách dạy học trò như vậy. Có thể hình dung mỗi tiết học trôi qua nặng nề ra sao khi lớp không nghe tiếng giáo viên giảng bài, không có tiếng trò phát biểu. Ở đây, học sinh chịu thiệt thòi nhất khi sự việc kéo dài tới 4 tháng mà không được biết đến và xử lý. 

Thực tế, ngành Giáo dục vẫn tồn tại không ít những giáo viên “cá biệt”, yếu kém về chuyên môn, không có phương pháp sư phạm, kiến thức lạc hậu, thậm chí có hành vi xúc phạm học sinh, ứng xử thiếu tôn trọng với phụ huynh nhưng vẫn được giao đứng lớp. Phải chăng vì sự nể nang lẫn nhau hay do vị thế và “quyền lực” đằng sau những giáo viên này khiến họ không hề phải suy nghĩ, cân nhắc về những hành vi thiếu chuẩn mực của mình khi đứng lớp?

Nữ sinh lớp 11A trường THPT Long Thới chỉ có một nguyện vọng là muốn được dạy dỗ bình thường như những học sinh khác. Mong muốn của em khiến người lớn phải đau lòng bởi tổn thương mà các em phải gánh chịu từ cách ứng xử của thầy cô. Chắc hẳn trong hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước, sẽ có không ít những uẩn ức, tổn thương mà các em muốn được chia sẻ và giúp đỡ. Bởi vậy, ngoài việc kêu gọi tình yêu nghề, đạo đức của người thầy thì vẫn cần có biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời với trường hợp giáo viên sai phạm, thiếu cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đó có thể là những bài học đau xót nhưng cũng là điều cần thiết để gây dựng niềm tin vào sự nghiệp giáo dục và những người thầy chân chính.