Tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam: Một chính sách cần thiết và nhân văn

Bài 7: Chung tay tạo việc làm cho phạm nhân khi tái hòa nhập cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tính đến tháng 10/2019 có 154 điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam của 24/54 trại giam, số lượng phạm nhân dao động từ 6.000-7.000 phạm nhân. Các ngành nghề lao động chủ yếu ở các khu sản xuất là: Nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến; kỹ thuật điện tử; hàn, cơ khí, sửa chữa động cơ, sản xuất vật liệu xây dựng, thủ công chế biến…

Thế nhưng, sau khi Luật thi hành án hình sự năm 2019 được Quốc hội thông qua, vì còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này, trong khi Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung trên, do đó Bộ Công an đã chỉ đạo các trại giam chủ động trao đổi, thống nhất với doanh nghiệp để chấm dứt hợp tác, đưa tất cả các phạm nhân vào trong trại giam.

Sự thay đổi đó không chỉ khiến các trại giam gặp khó khăn mà doanh nghiệp cũng hụt hẫng khi tất cả đang cùng hướng tới mục tiêu nhân văn là tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng…

Nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp

Câu chuyện sau được Thiếu tướng Trần Văn Thiện, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng kể cho chúng tôi nghe. Nhân vật của câu chuyện là anh Phan Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An. Khi biết Bộ Công an có chủ trương chấm dứt hợp tác việc liên kết lao động ngoài trại giam, anh Quang đã dẫn đầu đoàn gần 30 doanh nghiệp ở Nghệ An đã và đang có sự liên kết, hợp tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đến trụ sở Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trại giáo dưỡng ở Hà Nội để “làm rõ sự tình”.

Dây chuyền sản xuất gạch tại doanh nghiệp Tùng Phương tiếp nhận phạm nhân sau khi hết án vào làm việc.

Dây chuyền sản xuất gạch tại doanh nghiệp Tùng Phương tiếp nhận phạm nhân sau khi hết án vào làm việc.

Dây chuyền sản xuất gạch tại doanh nghiệp Tùng Phương tiếp nhận phạm nhân sau khi hết án vào làm việc.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Phan Quang cho biết, giai đoạn đó, mô hình liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp ở Nghệ An với các trại giam để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam hoạt động rất hiệu quả, vừa đem lại lợi ích về kinh tế cho cả trại giam, doanh nghiệp, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân ở giai đoạn họ chuẩn bị tái hoà nhập cuộc đồng, trở về với cuộc sống đời thường. Lúc đó, một chi nhánh trong Tổng Công ty Xuân Hoà của anh Quang cũng liên kết, hợp tác để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề với Trại giam số 6- Bộ Công an với số lượng phạm nhân khoảng 50-60 người. Khi Bộ Công an quyết định chấm dứt việc hợp tác ngoài trại giam, đối với các doanh nghiệp liên kết như của anh Quang, cũng bị bất ngờ và đột ngột, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

“Sau một thời gian thu xếp, các doanh nghiệp của chúng tôi đã ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn có sự hợp tác, liên kết với trại giam trong tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, vì việc hợp tác này có lợi ích cho các bên. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ giải quyết được việc thiếu hụt lao động, mà doanh nghiệp là đòn bẩy kinh tế của xã hội, vấn đề nhân công cũng rất quan trọng. Về phía trại giam, giải quyết khó khăn về điều kiện nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, kỹ thuật sản xuất… Ngay cả đối với các phạm nhân, nhất là đối với các phạm nhân ở giai đoạn gần hết án, chuẩn bị trở về với cuộc sống đời thường, họ và cả thân nhân của họ (trong các buổi gặp mặt thân nhân phạm nhân do trại giam tổ chức) rất mong muốn được ra môi trường lao động bên ngoài để gần gũi với đời thường hơn, không bị bỡ ngỡ khi họ kết thúc thời gian thi hành án trở về”- anh Phan Quang chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện cho các doanh nghiệp của Nghệ An có mong muốn được hợp tác, liên kết với các trại giam tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, anh Phan Quang cho biết vẫn cần có một nền tảng pháp lý chặt chẽ cho việc này. Vì thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Nghệ An mong muốn, khi Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được trình, thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sẽ nhận được sự đồng thuận, thông qua.

“Doanh nghiệp chúng tôi và cả trại giam đều cần một sự liên kết, hợp tác ổn định. Ngoài việc phát triển kinh tế, chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức cho xã hội trong việc hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức lao động cho phạm nhân hết sức nhân văn này”- anh Quang cho biết.

Phạm nhân được hưởng thành quả lao động

Kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như với kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam theo điều 34 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và điều 17 Nghị định 133/2020/NĐ - CP của Chính phủ. Cụ thể, kết quả lao động, học nghề của phạm nhân sau khi trừ đi chi phí hợp lý được sử dụng như sau:

14% bổ sung mức ăn cho phạm nhân; 2% lập Quỹ hoà nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm nhân khi chấp hành xong án phạt tù; 22% bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của trại giam; 50% chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động, giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù; 12% chi trả một phần công lao động cho phạm nhân trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; chi hỗ trợ phạm nhân bị tai nạn lao động.

(còn tiếp)