Bách hóa Tràng Tiền (kỳ 2)
(ANTĐ) - Năm 1959, ông Vũ Đình Trọng (nhà ở phố Hàng Giò nay là đầu phố Bà Triệu, sau này ông chuyển xuống sinh sống ở huyện Thanh Trì) đi kháng chiến về được phân công làm Trưởng tiểu ban trang trí nội thất, thiết kế các gian hàng Bách hóa Tổng hợp sao cho hợp lý và hơn hẳn cách bài trí trước đó để cho thấy tính ưu việt của thương mại xã hội chủ nghĩa. Ông Trọng nhờ ham học hỏi nên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, trình bày rạch ròi, mạch lạc làm cán bộ thành phố rất hài lòng.
Tràng Tiền Plaza ngày nay |
Cứ hai hay ba năm người ta lại cho làm mới Godard bằng cách quét vôi, sơn cửa. Sau khi trở thành Bách hóa Tổng hợp thì năm, sáu năm mới tu bổ một lần. Do thời gian sơn sửa, quét vôi rất lâu mất hàng tháng nên người ta phải chọn phường sơn vôi giỏi để công việc kinh doanh diễn ra bình thường. Dân sơn vôi làng Phương Liệt (nay là phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) bao giờ cũng được chọn. Phương Liệt còn có tên nữa là Giáp Cửu, làng ít ruộng, bởi vậy từ già đến trẻ thường vào nội thành làm nhiều nghề khác nhau.
Cuối thế kỷ XIX, khi chính quyền Pháp xây các khu nhà hành chính, công thự thì dân Phương Liệt làm công cho các công trình này và học được nghề sơn vôi, lắp cửa kính. Nhờ đó, một số người thạo nghề không làm thuê nữa mà đứng ra nhận thầu rồi gọi người làng đi làm. Nổi tiếng nhất là cụ Cai Phảng. Nhiều năm liên tục, việc sơn cầu Long Biên, sơn đài vô tuyến điện cao tới mấy chục mét ở ngã tư Vọng, quét vôi các tòa nhà lớn, công thự, nhà riêng đều do cụ Cai Phảng đảm nhận và gọi người làng đi làm.
Không phường nghề nào có thể vượt Phương Liệt về lọc vôi, pha màu, đặc biệt là chọn đót làm chổi. Nước vôi sánh nhưng không đặc nên bám tường và khi khô rất mịn. Có câu chuyện vẫn lưu truyền ở làng nghề này là khi nhận quét sơn cửa Tòa nhà Thống sứ Bắc Kỳ, thợ Phương Liệt không dùng chổi nhập từ chính quốc mà dùng những cành đót bó lại làm chổi. Khi sơn cửa, nước sơn mịn hơn và không có vết. Thợ Phương Liệt quét trần Bách hóa Tổng hợp thì việc mua bán ở dưới diễn ra bình thường, không rơi một giọt vôi.
Thời bao cấp, Bách hóa Tổng hợp là nơi bán vải vóc, đồ điện máy, giày dép, văn phòng phẩm… lớn nhất Hà Nội và miền Bắc nên có người gọi đó là pháo đài thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Dù các cửa hàng bách hóa nằm rải rác khắp nơi trong thành phố nhưng Bách hóa Tổng hợp bao giờ cũng đông đúc vì đây là khu trung tâm, gần hồ Gươm, kem Tràng Tiền và điểm đỗ tàu điện. Nó nổi tiếng đến mức khách các tỉnh về chơi mà chưa vào Bách hóa Tổng hợp coi như chưa về Hà Nội. Nhiều nhà có con gái đỗ đại học cũng không hãnh diện bằng nhà có con xin được chân bán hàng trong ngành thực phẩm, lương thực hay bách hóa, nhất là làm ở Bách hóa Tổng hợp.
Năm 1958, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành miền Bắc khác bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, hàng loạt nhà máy lớn được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc nhưng lại thiếu hẳn nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt thiếu nghiêm trọng nên hàng hóa ở Bách hóa Tổng hợp lèo tèo.
Ngay đến viên đá lửa cũng thiếu khiến nhiều gia đình phải thắp đèn dầu cả ngày để khi nhóm bếp không phải sang hàng xóm xin lửa. Năm 1980, Việt Nam ký Nghị định thư về hợp tác lao động với Liên Xô và các nước Đông Âu như: Cộng hòa dân chủ Đức, Bungari, Tiệp Khắc, người lao động Việt Nam ào ào “đi Tây”. Và từ đó, hàng hóa trên thị trường bắt đầu khá hơn.
Dây may-so, bàn là, nồi áp suất, chậu nhôm, máy sấy tóc… từ Liên Xô theo tàu biển về Việt Nam; xe đạp Mifa, áo lông, dép da, phim chụp ảnh Orwo, giấy ảnh, xe máy Simson từ Cộng hòa dân chủ Đức; thuốc chữa bệnh từ Hungari; giày da, xe đạp từ Tiệp Khắc ùa về… Những người chuyên gom hàng mua địa chỉ của chủ hàng từ nhân viên hải quan, sau đó mò đến tận nhà kỳ kèo giá cả và ôm hết. Chợ đen sôi động dần, song hàng hóa ở Bách hóa Tổng hợp vẫn thế, thậm chí còn teo dần vì các cơ sở sản xuất trong nước thiếu nguyên liệu.
Thiếu thốn mới sinh ra “phe phẩy” (mua đi bán lại) và xếp hàng. Có người cho rằng “phe phẩy” xuất phát từ apphe (tiếng Pháp-buôn bán). Nhưng lại có người giải thích, vì các mùa nóng các bà buôn ngồi phe phẩy chiếc quạt nan chờ khách, và các bà cũng mua rồi bán lại kiếm chút lời nên từ “phe phẩy” ra đời để chỉ những người buôn đi bán lại.
“Phe phẩy” là sản phẩm đặc trưng của cơ chế bao cấp. Người làm nghề “phe phẩy” hầu hết là đàn bà con gái .Từ sớm, họ đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm, chất đốt, bách hóa... Ai bán phiếu thịt, đậu phụ, nước mắm, phiếu vải, phiếu đường hay phiếu dầu họ mua hết. Tiêu chuẩn đường phiếu E (cán bộ bình thường) một tháng là nửa cân, phiếu N (nhân dân) một tháng là hai lạng rưỡi.
Bìa gia đình tùy theo nhiều hay ít người nhưng nhiều nhất cũng chỉ được 3 bánh xà phòng. Nhà ai có đài cũng phải đăng ký, trong đăng ký ghi rõ đài gì, mua hay tự lắp mới được mua pin cung cấp. Tuy nhiên, tiêu chuẩn tháng chỉ hai viên pin Con Thỏ nên hết điện, người ta phục hồi bằng cách đục đít sau đó cho muối vào sẽ nghe thêm được vài ngày. Hầu hết người “phe phẩy” đều thì thụt với mậu dịch viên vì ngành thương nghiệp cấm không được phép bán nhiều. Có thời kỳ Bách hóa Tổng hợp tập trung tới mấy chục “phe”. Bảo vệ đuổi, họ ra ngoài, bảo vệ đi họ lại vào gạ mua tem phiếu.
Thỉnh thoảng cũng có phe bị bắt vào đồn công an, phải viết bản kiểm điểm cam kết không buôn bán tem phiếu nữa. Việc bán hàng theo tem phiếu khiến người nước ngoài ngạc nhiên. Trong cuốn sách có tên “Mùa xuân trên phố Hàng Đào” của Nhà xuất bản Kossuth Budapest năm 1977 trong đó có tới mấy chục trang viết về Bách hóa Tổng hợp cùng nhiều hình ảnh chụp năm 1974.
Tháng 4-1993, Công ty Thương mại Hà Nội liên doanh với Công ty Dragon Property Asia Limited lập dự án phá Bách hóa Tổng hợp xây dựng “Tràng Tiền Plaza” với thời hạn 50 năm. Liên doanh này đã đưa ra thiết kế tòa nhà có chiều cao mặt phố Tràng Tiền là 10 tầng, mặt phố Hai Bà Trưng là 20 tầng. Tháng 5-1994, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cấp Giấy phép đầu tư số 855/GP, thành lập Công ty Liên doanh Trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên “The Hà Nội Plaza”.
Tháng 5-1995, Kiến trúc sư trưởng thành phố ra quyết định cho phép phá Bách hóa Tổng hợp. Nhưng 4 tháng sau, ngày 29-9-1995 Bách hóa Tổng hợp mới ngừng bán hàng. Nhà văn Vũ Bão có bài viết đăng trên Báo Tiền Phong mô tả buổi bán hàng cuối cùng với tâm trạng buồn bã, mất mát qua những kỷ niệm của ông và nhiều người Hà Nội.
Nguyễn Ngọc