Bác sĩ được từ chối, chậm cấp cứu bệnh nhân nếu bị đánh đập, hành hung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã cho phép bác sĩ được từ chối, hoặc chậm cấp cứu bệnh nhân trong trường hợp người bệnh và thân nhân của họ có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của mình.

Theo quy định hiện hành (Khoản 1 Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009), bác sĩ không được từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh.

Song Khoản 2 Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã cho phép bác sĩ được từ chối hoặc chậm cấp cứu trong các trường hợp:

Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác phù hợp và phải sơ cứu, theo dõi, chăm sóc người bệnh cho đến khi người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

Việc khám bệnh, chữa bệnh trái quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp; Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;

Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;

Người bệnh, người đại diện của người bệnh không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được tư vấn, thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã cho phép bác sĩ được từ chối hoặc chậm cấp cứu bệnh nhân khi bị hành hung

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã cho phép bác sĩ được từ chối hoặc chậm cấp cứu bệnh nhân khi bị hành hung

Ngoài nội dung trên, Luật Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 còn mở rộng đối tượng hành nghề; thay đổi từ việc cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.

Luật cũng quy định, người nước ngoài hành nghề hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo; áp dụng kê đơn thuốc điện tử, bệnh án điện tử và các thông tin này phải kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để kiểm soát, giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề và liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2024.