Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Ninh... được biểu dương vì tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến hết năm 2021 biên chế công chức cả nước giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, ngoài ra có nhiều bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp

Chiều 23-5, tiếp tục nội dung làm việc tại kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Báo cáo nêu rõ, năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, kéo dài ở nhiều địa phương, Chính phủ kịp thời điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật; cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách; thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Cụ thể, các bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức là 1,51 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Bắc Giang 332 tỷ đồng, Lâm Đồng 162 tỷ đồng, Đà Nẵng 128 tỷ đồng, Quảng Ninh 119 tỷ đồng, Kiên Giang 64,7 tỷ đồng, Hải Dương 54,7 tỷ đồng, Tiền Giang 52,6 tỷ đồng,…

Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, nhiều bộ, cơ quan, địa phương có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Ngân hàng Phát triển (100%), Bộ Tài chính (96,89), Tiền Giang (98,9%), Hưng Yên (98%), Hải Phòng (97%), Bình Thuận (96,7%)....

Đồng thời thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, cơ quan thẩm tra quyết đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179 nghìn tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 17,8 nghìn tỷ đồng và thu hồi 811 ha đất.

Về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, Bộ trưởng Tài chính cho biết, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015.

Đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW.

“Một số đơn vị đạt kết quả tốt, như: Bộ Tài chính, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang… Công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2021 tiếp tục được kết quả tốt. Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.568 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý“ - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu…

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Cũng theo báo cáo, năm 2022, Chính phủ chỉ đạo tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, sẽ tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên các lĩnh vực như: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này sau đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Tuy vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ rõ hơn một số tồn tại, hạn chế như tình trạng chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương, chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương, giải ngân chậm nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

“Năm 2021, có 09 bộ và 21 địa phương chưa phân bổ chi tiết vốn ngân sách trung ương cho các dự án với tổng số vốn là 9.027,33 tỷ đồng; 10 địa phương chưa phân bổ hết vốn ngân sách địa phương với tổng số vốn là 13.536,325 tỷ đồng; vốn ODA chưa thực hiện giải ngân bị hủy dự toán ước khoảng 29,1 nghìn tỷ đồng” – bà Chinh dẫn chứng.

Việc đấu thầu mua sắm và mua sắm tập trung cũng còn nhiều bất cập; tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân…