Vì sao giá cổ phiếu biến động bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vừa qua một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo trước Quốc hội

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 tại Quốc hội sáng 23-5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong 4 tháng đầu năm, hơn 30.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cần quan tâm, đánh giá kỹ một số vấn đề. Cụ thể như, về kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn…

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, nguy cơ nợ xấu còn tiềm ẩn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.

“Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Phân tích thêm việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao và mất cân đối. Năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 637.000 tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020, trong đó phát hành riêng lẻ chiếm tới 95%.

Đáng chú ý, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao như cổ phiếu chưa niêm yết, dự án, tài sản hình thành trong tương lai còn lớn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường.

“Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh. Trong năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào khoảng 145.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2%, trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn chiếm 20,2%. Vì vậy, cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp” – ông Thanh nói.

Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn. Bên cạnh đó, kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất kinh doanh.

“Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu.